Kế hoạch 135/KH-TLĐ năm 2021 phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đến năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 135/KH-TLĐ
Ngày ban hành 24/09/2021
Ngày có hiệu lực 24/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ ĐẾN NĂM 2023

Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xây dựng Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) từ nay đến hết năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

1.1. Tăng cường thu hút người lao động vào Công đoàn, mở rộng độ bao phủ CĐCS trong các cơ quan, đơn vị và các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

1.2. Tạo bước đột phá thành lập CĐCS và tập trung đẩy nhanh tiến độ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, phấn đấu đến hết năm 2023 có 12 triệu đoàn viên và phấn đấu 100% số doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đã đi vào hoạt động có tổ chức công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị.

2. Yêu cầu

- Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phải đi đối với củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện tốt công tác đoàn viên.

- Các cấp công đoàn ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phải có kế hoạch, chỉ tiêu và biện pháp triển khai thực hiện cụ thể hàng năm, hàng quý, hàng tháng phù hợp với điều kiện thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19; phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân; có đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

- Xác định nhiệm vụ phát triển đoàn viên là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 đến 2023 và những năm tiếp theo.

II. NỘI DUNG

1. Chỉ tiêu

1.1. Về phát triển đoàn viên: Phấn đấu đến hết năm 2023, cả nước tăng thêm 1.600.000 đoàn viên (có bảng giao chỉ tiêu kèm theo).

1.2. Về thành lập CĐCS: Phấn đấu thành lập công đoàn cơ sở ở 100% số doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đã đi vào hoạt động.

Đối với các đơn vị lớn có sự tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp, việc đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của doanh nghiệp tại địa phương để đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu.

2. Các giải pháp chủ yếu

2.1. Tập trung tuyên truyền phát triển đoàn viên

- Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng phương án phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chưa thành lập CĐCS. Lấy địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

- Đối với nơi đã thành lập CĐCS, các công đoàn cấp trên tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp tài liệu CĐCS tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn, phấn đấu tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân lao động ở doanh nghiệp.

- Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đoàn viên để tạo sức thu hút người lao động tham gia các hoạt động công đoàn và tự nguyện gia nhập Công đoàn.

- Nghiên cứu, biên soạn tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền phát triển đoàn viên phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền vận động.

2.2. Tăng cường công tác chỉ đạo trong toàn hệ thống

- Thành lập các Ban Chỉ đạo từ cấp Tổng Liên đoàn đến các cấp công đoàn trong toàn hệ thống (từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên), trong đó đồng chí chủ tịch là trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo từng cấp cần xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên ban chỉ đạo, các tổ chức có liên quan.

- Công đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng đồng cấp trong công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; nâng cao hiệu quả Đảng lãnh đạo tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp; quan tâm thành lập tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội khác; tham mưu phối hợp trên tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị.

- Nghiên cứu, đề xuất việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết nối, chia sẻ thông tin doanh nghiệp, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

2.3. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên

- Bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp tỉnh, thành phố, ngành TW và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho công đoàn cấp dưới triển khai thực hiện kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Hoàn thiện mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các hình thức phù hợp khác để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

[...]