Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2019 về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2019
Ngày có hiệu lực 10/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác;

Căn cứ Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu;

Căn cứ vào đặc điểm nghề cá và tình hình thực tế, UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo các nội dung chính sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi.

2. Yêu cầu

- Cơ quan cử cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá có trình độ chuyên môn phù hợp;

- Cơ quan chủ trì tổ chức tập huấn, đào tạo các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển và tại cảng. Đảm bảo các cán bộ tham gia thực hiện nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của kế hoạch này và các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế và khu vực về khai thác IUU.

II. PHẠM VI, NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Phạm vi áp dụng

Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá được chỉ định; các Trạm kiểm soát Biên phòng tại các cửa sông, cửa biển; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

- Giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng

- Kiểm tra tàu cá cập hoặc rời cảng cá,

- Kiểm tra tàu cá ra hoặc vào Trạm kiểm soát Biên phòng.

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng.

3. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát

3.1. Giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng

- Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý cảng cá, bến cá

- Cơ quan phối hợp: Tổ kiểm tra (Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng),

- Đối tượng giám sát: 100% thủy sản bốc dỡ qua cảng.

- Nội dung giám sát: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Trước khi tàu cập cảng cá, chủ tàu/thuyền trưởng trực tiếp hoặc điện thoại cho Tổ điều hành cảng cá trước 01 giờ các thông tin: Về số đăng ký tàu, chiều dài tàu, công suất tàu, thời gian cập cảng, sản lượng, thành phần loài dự kiến để chuẩn bị bố trí nơi cập tàu và cán bộ giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng. Đồng thời thông báo cho Tổ kiểm tra biết để tổ chức kiểm tra theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT.

[...]