Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2022 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 14/07/2022
Ngày có hiệu lực 14/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Triển khai thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước , Nghị quyết Đại hội Đảng b ộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025.

b) Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Phong trào thi đua, đảm bảo công tác giảm nghèo phải theo địa chỉ, theo nguyên nhân, theo nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích; có chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên, cải thiện nâng cao mức sống cho nhóm hộ nghèo diện bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết, theo chuỗi giá trị, các dự án giảm nghèo hiệu quả.

c) Nội dung thi đua và việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, số hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 2/3 so với năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022-2025). Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

d) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; xác định công tác giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của tỉnh, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào thi đua của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, các khối thi đua và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

b) Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cấp cơ sở với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; khuyến khích, phát huy được sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.

c) Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Nội dung Phong trào thi đua

a) Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng nội dung, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua. Tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Thi đua đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và góp phần giảm nghèo; cán bộ làm công tác giảm nghèo thi đua tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, thi đua đồng hành cùng người nghèo. Vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có những việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, địa bàn nghèo.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng nội dung thi đua, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn Phong trào thi đua với Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tập trung thi đua đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng phát triển với vùng khó khăn; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. Quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

c) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia Phong trào thi đua gắn với tiếp tục triển khai cuộc vận động “Vì người nghèo” nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục quan tâm xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của tỉnh và của các địa phương.

d) Thôn, tổ dân phố thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; hỗ trợ người nghèo tham gia lao động, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

đ) Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giúp đỡ các huyện, xã hoặc thôn khó khăn; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

e) Khuyến khích các doanh nghiệp thi đua giúp đỡ các địa phương khó khăn; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo.

f) Các hộ gia đình thi đua tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững và giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác cùng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

2. Giải pháp thực hiện Phong trào thi đua

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục phát động các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, tránh hình thức, lãng phí.

[...]