Kế hoạch 1275/KH-BNN-VP về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1275/KH-BNN-VP
Ngày ban hành 10/05/2011
Ngày có hiệu lực 10/05/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Thị Xuân Thu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1275/KH-BNN-VP

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐƯA THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI VÀ HẢI ĐẢO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. BỐI CẢNH, SỰ CẦN THIẾT

1. Đặc điểm tình hình

Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, trong những năm qua nông nghiệp và nông thôn nước ta liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao; cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới như: gạo, thủy sản, đồ gỗ, cà phê và cao su … đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp khoa học, hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực; đời sống và thu nhập của đại bộ phận nông dân tiếp tục được cải thiện; cơ sở hạ tầng nông thôn được cải tạo, nâng cấp; công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo bước đầu thực hiện có hiệu quả, tạo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực. Việc chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở những vùng này chỉ bằng khoảng 40% so với bình quân chung cả nước, trong đó số hộ nghèo chiếm 63,7% trong tổng số hộ nghèo của cả nước. Nghèo đói là nguyên nhân chính dẫn đến phá rừng, di cư tự do …. Một số nơi, đồng bào bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo, gây mất an ninh, trật tự. Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Do đặc thù của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trải khắp trên mọi miền đất nước. Điều kiện làm việc, công tác, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào môi trường, thời tiết, thời vụ, …. Ngoài ra, hàng năm còn phải thường xuyên đối mặt với hàng loạt nguy cơ rủi ro do hạn hán kéo dài trên diện rộng, bão lũ với những yếu tố bất thường, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát, biến đổi khí hậu, môi trường xuống cấp cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân.

Để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân làm nông nghiệp, hạn chế những rủi ro trên cần thực hiện có hiệu quả hơn công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực đạo nông nghiệp và phát triển nông thôn đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

2. Thực trạng về thông tin và truyền thông cơ sở ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội các cấp đã quan tâm và tập trung triển khai nhiều hoạt động đưa thông tin về cơ sở cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nên công tác trên đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, hoạt động đưa thông tin về cơ sở trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện qua các phương tiện chủ yếu là: truyền hình, phát thanh, báo in, tạp chí, mạng Internet hoặc thông qua hoạt động của cơ quan khuyến nông, các tổ chức xã hội đoàn thể, thông qua cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như:

+ Báo Nông nghiệp Việt Nam: là cơ quan báo duy nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo là kênh thông tin tuyên truyền của Bộ, với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là diễn đàn xã hội vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn.

Hiện nay, Báo phát hành 5 kỳ/tuần, với số lượng xuất bản 27.000 bản/kỳ, tuy nhiên đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức trong ngành.

+ Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: là tạp chí khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tạp chí cung cấp thông tin về lĩnh vực khoa học công nghệ và quản lý kinh tế của ngành nông, lâm, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản, là diễn đàn trao đổi của các nhà khoa học, quản lý về công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, cơ chế, chính sách, thị trường nông, lâm sản. Hiện nay, Tạp chí xuất bản định kỳ một tháng 1 số với số lượng 1.000 bản/kỳ, trong đó, đối tượng phục vụ chủ yếu là các nhà khoa học, quản lý.

+ Một số ấn phẩm khác

Ngoài Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cũng xuất bản các loại ấn phẩm như: Bản tin Khuyến nông, Bản tin Kiểm lâm, Bản tin Chăn nuôi, Bản tin Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn và số ít chuyên đề chuyên ngành khác. Tuy nhiên, số lượng phát hành rất hạn chế (khoảng 1.000 bản/kỳ) và thường xuất bản theo nhu cầu thông tin riêng của từng cơ quan, đơn vị.

Đánh giá chung, hoạt động đưa thông tin về cơ sở trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, thể hiện ở một số điểm sau:

- Nhận thức về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn chưa nhận thức đúng và coi trọng việc áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.

- Nhận thức về hoạt động đưa thông tin về cơ sở cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của các cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ làm công tác này chưa cao; vị trí, vai trò của công tác này còn chưa được chú trọng đúng mức.

- Nội dung và tần suất các hoạt động đưa thông tin về cơ sở chưa thường xuyên, liên tục và được chọn để phù hợp với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, internet … đã có những chuyên trang, chuyên mục thông tin chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuy nhiên về số lượng và thời lượng còn rất hạn chế, không tập trung và chưa có trọng tâm, trọng điểm.

- Hình thức thông tin chưa thích hợp với điều kiện sống của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Các hình thức, biện pháp thông tin, tuyên truyền chưa được đổi mới, nâng cao để phù hợp với từng địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội. Hiện nay, ở những vùng sâu, vùng xa … vẫn chưa có một tài liệu chính thống của cơ quan chuyên ngành phát hành phục vụ cho hoạt động thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, thường kiêm nhiệm. Theo số liệu thống kê, hiện nay trung bình ở khu vực miền núi, một cán bộ khuyến nông, khuyến lâm phụ trách 37.000 người dân, trong khi đó những thông tin của Đảng, Nhà nước và Bộ, ngành về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên được đổi mới, ban hành; chính vì vậy nếu chỉ dựa vào lực lượng khuyến nông viên cơ sở trong hoạt động này sẽ không đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

- Cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong việc thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa cụ thể, hiệu quả.

3. Sự cần thiết thực hiện Chương trình tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và công tác quản lý, điều hành

a) Cơ sở chính trị, pháp lý

Công tác thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.

Ngày 5/8/2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn” có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là việc “nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”.

[...]