THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1212/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 09
năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐƯA THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ MIỀN
NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về
Chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số
135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý,
điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa
thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn
2012 - 2015 (sau đây gọi là Chương trình), bao gồm các nội dung chính sau đây:
1. Tên và cơ quan quản lý Chương
trình:
a) Tên Chương trình: Chương trình mục
tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo giai đoạn 2012 - 2015.
b) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ
Thông tin và Truyền thông.
2. Mục tiêu của Chương trình:
a) Mục tiêu chung: Xây dựng và củng cố
hệ thống thông tin truyền thông cơ sở nhằm đảm bảo thông tin về các chính sách
của Đảng và Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật được đưa đến phục vụ người dân miền núi,
vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông
tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền;
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa,
tinh thần của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đảm bảo 100% số xã thuộc phạm vi
chương trình có đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông
cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành,
khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác
nghiệp.
- Tăng cường năng lực cơ sở vật chất
kỹ thuật hệ thống thông tin truyền thông cơ sở cho các vùng khó khăn, vùng sâu,
vùng xa, biên giới và hải đảo nhằm:
+ Đảm bảo hầu hết các xã khu vực miền
núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh, truyền
hình mặt đất;
+ Đảm bảo đầu tư thiết lập mới đài
truyền thanh cho ít nhất 50% số xã chưa có đài truyền thanh thuộc phạm vi của
Chương trình để đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho nhân dân, phù hợp với
xu hướng đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
- Tăng cường nội dung thông tin và truyền
thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nhằm đảm bảo
100% xã thuộc Chương trình được cung cấp các dịch vụ thông tin tuyên truyền, phổ
biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các
kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, hoạt động xã hội; phổ
biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất;
giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào các dân
tộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
3. Phạm vi địa bàn thực hiện
Chương trình:
Thực hiện trên phạm vi địa bàn 62 huyện
nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư
cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn
vùng đồng bào dân tộc miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và
hải đảo; xã biên giới; xã an toàn khu; các huyện, xã miền núi, vùng cao khác.
4. Thời gian thực hiện:
Chương trình được thực hiện từ năm
2012 đến hết năm 2015.
5. Tổng vốn và nguồn vốn thực hiện
Chương trình:
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình
là 1.730 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:
- Ngân sách trung ương: 1.170 tỷ đồng;
- Ngân sách địa phương: 420 tỷ đồng;
- Huy động hợp pháp khác: 140 tỷ đồng.
6. Các dự án của Chương trình:
a) Dự án 1: Tăng cường cán bộ
thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo
- Mục tiêu:
+ Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên
môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu
quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ
thông tin và truyền thông cơ sở cấp tỉnh, huyện, xã thuộc phạm vi của Chương
trình;
+ Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực
cho cán bộ làm công tác truyền thông của một số Bộ, ngành Trung ương tại các đơn
vị đóng trên địa bàn các xã thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình để tham
gia tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính
sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
- Nội dung của Dự án:
+ Bổ sung, hoàn thiện chương trình
khung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và
truyền thông cơ sở;
+ Khảo sát, xác định đối tượng và nhu
cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở giai đoạn
2012 - 2015;
+ Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn
cho ít nhất là 11.400 cán bộ.
- Kinh phí thực hiện: 55 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 48 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 7 tỷ đồng.
- Phân công thực hiện:
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và
Truyền thông.
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình.
b) Dự án 2: Tăng cường cơ sở vật
chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa,
biên giới, hải đảo
- Mục tiêu của dự án: Tăng cường năng
lực cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống thông tin và truyền
thông quốc gia đến tận cơ sở cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa bao gồm
việc đầu tư xóa trắng và nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh, truyền hình khu vực miền núi, vùng sâu, vùng
xa, biên giới và hải đảo, đảm bảo điều kiện để nhân dân
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng thụ các dịch vụ nghe - xem; đảm
bảo duy trì, khai thác, vận hành các đài truyền thanh xã đặc biệt khó khăn thuộc
Chương trình.
- Nội dung của Dự án:
+ Đầu tư thiết lập mới, nâng cấp ít
nhất 1.370 đài truyền thanh xã tại địa bàn thuộc phạm vi Chương trình;
+ Nâng cấp ít nhất 340 đài truyền
thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình để xóa vùng
trắng, vùng lõm sóng phát thanh, truyền hình và đảm bảo chất lượng tín hiệu
sóng phát thanh, truyền hình;
+ Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị
phương tiện tác nghiệp cho hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở (bao gồm các cơ sở trại giam, trường giáo dưỡng);
+ Hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết
bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của
các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn các huyện nghèo và các đồn, trạm
biên phòng.
- Kinh phí thực hiện: 1.111 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 680 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 326 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 105 tỷ đồng.
- Phân công thực hiện:
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và
Truyền thông.
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi
Chương trình.
c) Dự án 3: Tăng cường nội
dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo
- Mục tiêu của dự án: Tăng cường đưa
nội dung thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật
của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến
trong sản xuất, hoạt động xã hội; phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kỹ
thuật trong các hoạt động sản xuất; giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn
văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên
giới, hải đảo thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm truyền
thông, xuất bản phẩm.
- Nội dung của Dự án:
+ Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát
sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân tại các địa bàn
là các xã thuộc phạm vi của Chương trình (bao gồm cả các chương trình bằng tiếng
dân tộc);
+ Hỗ trợ sáng
tác, xuất bản, in, phát hành và quảng bá các loại sách chuyên đề và các ấn phẩm
truyền thông phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu
số (bao gồm cả các sản phẩm bằng tiếng dân tộc);
+ Hỗ trợ thiết lập khoảng 12 cụm
thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cụm đảo và biên giới;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện
tử, hỗ trợ thông tin trực tuyến phục vụ đồng bào tại địa bàn nông thôn, miền
núi.
- Kinh phí thực hiện: 564 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 442 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 87 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 35 tỷ đồng.
- Phân công thực hiện:
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và
Truyền thông.
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ủy
ban Dân tộc, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình.
7. Các giải pháp thực hiện Chương
trình:
a) Về huy động vốn: Thực hiện đa dạng
hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, tăng cường vốn
của ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đối với vốn huy động từ các nguồn
khác, chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước.
b) Về nguồn nhân lực thực hiện chương
trình: Chương trình chủ yếu huy động và sử dụng nhân lực hiện có của ngành
Thông tin và Truyền thông từ Trung ương đến cơ sở tham gia quản lý, thực hiện
Chương trình và tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu.
c) Các cơ chế, chính sách đặc thù cần
ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình và
quy định các yêu cầu quản lý phù hợp với đặc thù của ngành
để quản lý thực hiện chương trình đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
d) Lồng ghép với hoạt động của Chương
trình với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác trên cùng địa bàn: Chương
trình thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc
gia khác có cùng mục tiêu thông tin và truyền thông thông qua cơ chế kế hoạch tổ
chức truyền thông trên địa bàn thực hiện Chương trình; thực hiện việc phối hợp,
đánh giá hiệu quả, tác động về nội dung tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
đ) Theo dõi, giám
sát và đánh giá thực hiện Chương trình:
- Các cơ quan quản lý nhà nước về
thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, tài chính từ Trung ương đến địa
phương phối hợp theo dõi, giám sát thực hiện Chương trình trên địa bàn. Bộ
Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây
dựng hệ thống theo dõi, giám sát thực hiện Chương trình.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp
với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương ban hành kế hoạch theo dõi, giám sát,
đánh giá thực hiện Chương trình (bao gồm Kế hoạch giám
sát, đánh giá liên ngành); xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu
đánh giá thực hiện Chương trình.
e) Điều hành, quản lý Chương trình:
- Thành lập Ban Quản lý Chương trình
mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo ở Bộ Thông tin và Truyền thông do lãnh đạo Bộ làm
Trưởng ban. Thành viên của Ban Quản lý là đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ. Ban
Quản lý hoạt động theo Quy chế do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban
hành;
- Tại các địa phương: Lãnh đạo Sở
Thông tin và Truyền thông là thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu
quốc gia của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp tham mưu về công
tác quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi,
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
8. Tổ chức thực hiện Chương trình:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông: Là
cơ quan quản lý và điều hành Chương trình có trách nhiệm chủ trì:
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên
quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin
về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 theo quy định;
- Phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, khẩn trương thẩm định,
phê duyệt các Dự án thành phần theo đúng quy trình, quy định, đồng thời khẩn
trương tổ chức triển khai thực hiện các dự án này.
b) Các Bộ, ngành Trung ương:
- Thực hiện quản lý nhà nước theo chức
năng quy định;
- Tham gia triển khai nội dung Chương
trình trong phạm vi và nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do mình quản
lý.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương:
Tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, chủ động huy động thêm các nguồn lực cho các dự án của Chương trình. Báo cáo định kỳ về tình hình triển
khai thực hiện Chương trình. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn
đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát.
Điều 2. Cơ chế quản
lý điều hành Chương trình:
Cơ chế quản lý và điều hành Chương
trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa,
biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện theo Quy chế quản lý, điều
hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN,
QHQT, ĐP, NC, TKBT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|