Kế hoạch 127/KH-UBND năm 2022 về bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 127/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2022
Ngày có hiệu lực 30/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, NĂNG LỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH, QUẢN LÝ KINH TẾ - XÃ HỘI CHUYÊN SÂU, CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Văn bản số 2580/BNV-ĐT ngày 16/6/2022 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2021-2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức xã; đảm bảo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phục vụ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và của tỉnh.

- Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới, kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã phải phù hợp với nội dung, chương trình bồi dưỡng đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành và tình hình thực tiễn địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội cho cán bộ, công chức xã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp cho cán bộ, công chức xã góp phần đảm bảo thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; đạt yêu cầu tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí số 15 về hành chính công, tiêu chí số 16 về tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; đạt yêu cầu tiêu chí số 9 về an ninh, trật tự - hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

- Bồi dưỡng cập nhật các quy định mới của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức xã đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã.

- Trang bị những phương pháp cơ bản để tiếp cận những vấn đề chính trị, pháp luật, kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã trong sạch, vững mạnh, hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Rèn luyện năng lực tư duy hệ thống và biện chứng, năng lực hoạch định và tổ chức thực hiện, năng lực kiểm tra, đánh giá và tham mưu của cán bộ, công chức xã.

- Phấn đấu hằng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu về xây dựng nông thôn mới.

III. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG BỒI DƯỠNG

1. Đối tượng, số lượng bồi dưỡng

- Đối tượng: Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội và kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, công chức xã:

+ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã.

+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã.

+ Các chức danh ở xã: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chủ tịch Hội Nông dân; Bí thư Đoàn Thanh niên.

+ Các chức danh công chức xã: Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường; Tài chính - kế toán; Văn hóa - xã hội; Tư pháp - hộ tịch.

- Số lượng: 7.499 lượt cán bộ, công chức xã; tổng số 75 lớp (100 người/lớp), bình quân 1.800 lượt cán bộ, công chức xã/năm.

2. Tài liệu bồi dưỡng

Sử dụng bộ chương trình, bộ tài liệu do Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành xây dựng, ban hành và chuyển giao bồi dưỡng các chức danh cán bộ, công chức xã; tài liệu bồi dưỡng do các cơ quan, đơn vị của tỉnh, của Trường Đại học, Học viện biên soạn theo yêu cầu của vị trí việc làm và nội dung bồi dưỡng.

[...]