Kế hoạch 126/KH-UBND tổ chức thực hiện Quyết định 793/QĐ-TTg về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2016 do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 126/KH-UBND |
Ngày ban hành | 04/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 04/07/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Lê Hồng Sơn |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UBND THÀNH PHỐ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ “NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI” NĂM 2016
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138/CP tại Kế hoạch 161/KH-BCĐ ngày 03/6/2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2016, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tổ chức quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động trong toàn xã hội nói chung và người dân Thủ đô nói riêng về phòng chống mua bán người.
2. Tổ chức triển khai quyết liệt, rộng khắp đến cơ sở để “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” trở thành ngày hội của toàn dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
3. Duy trì và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” một cách thường xuyên hàng năm, thiết thực, cụ thể, tránh phô trương hình thức, kém hiệu quả.
II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM
1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực (trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở, pa nô, áp phích,...) theo các khẩu hiệu hành động: “Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người” và “Phòng chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội” nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
2. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp trong chủ động phòng ngừa, phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người.
3. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật.
4. Tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống mua bán người.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an thành phố Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/TP)
- Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân tích cực tự giác tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
- Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, khám phá các vụ án, đường dây phạm tội, truy bắt đối tượng, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
- Hàng năm, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn Thành phố để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
- Chủ động phối hợp với Công an các tỉnh biên giới, Công an các nước trong khu vực, nhất là các nước đã ký kết Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người, như: Trung Quốc, Lào... để trao đổi thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xác minh, giải cứu nạn nhân, truy bắt tội phạm mua bán người đạt hiệu quả.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, đổi mới phương pháp tuyên truyền trên các chuyên trang, chuyên mục của cơ quan báo chí; xây dựng các ký sự, bài viết, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp về phòng, chống mua bán người... và tăng thời lượng phát sóng, tần suất thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở về công tác phòng, chống mua bán người; tổ chức họp báo công bố “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
- Tăng cường tuyên truyền qua các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, mít tinh nhằm tạo phong trào toàn dân đoàn kết phòng, chống mua bán người.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập thể... tổ chức tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, lồng ghép với việc giáo dục kiến thức pháp luật, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người... để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai, quán triệt, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” đến cấp cơ sở.
- Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này nhằm tổ chức thiết thực, hiệu quả “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
- Chỉ đạo với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường chuyển tải thông tin thông qua nhiều loại hình truyền thông như: panô, áp phích, tài liệu truyền thông... về công tác phòng, chống mua bán người.
5. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thảo, nói chuyện chuyên đề để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.