Kế hoạch 123/KH-VKSTC năm 2019 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 123/KH-VKSTC
Ngày ban hành 16/07/2019
Ngày có hiệu lực 16/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Bùi Mạnh Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-VKSTC

Hà Hội, ngày 16 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN THI ĐUA THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ” GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

- Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.

- Căn cứ Công văn số 2406/VKSTC-V16 ngày 05/6/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Để phong trào đi vào thực chất, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về văn hóa giao tiếp, ứng xử, từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của từng cá nhân, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức và người lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức người lao động ngành Kiểm sát nhân dân gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác;

b) Tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào thi đua của các đơn vị trong toàn Ngành;

b) Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị;

c) Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Tổ chức thực hiện phong trào phải thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua.

II. NỘI DUNG

1. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1.1. Đối tượng

- Tập thể: Các địa phương, đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Cá nhân: Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

1.2. Nội dung phong trào thi đua

a) Đối với tập thể “Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp”:

+ Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; Xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch; giảm tối đa việc bố trí các bộ phận trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị;

+ Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị để thu hút, tập hợp sự tham gia đông đảo của đội ngũ công chức, viên chức, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

b) Đối với công chức, viên chức và người lao động “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”:

- Thực hiện nghiêm lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

- Chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính; Thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; Tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; Thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử.

- Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; chấp hành nghiêm quy định của Đảng, của Ngành về những điều đảng viên, Kiểm sát viên không được làm; cán bộ, đảng viên làm việc trong cơ quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng phải gương mẫu đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Trang phục đúng quy định, gọn gàng, sạch sẽ; Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị và địa phương phát động, tổ chức.

[...]