Kế hoạch 120/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 120/KH-UBND
Ngày ban hành 29/05/2018
Ngày có hiệu lực 29/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ; NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP HOẶC CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH, NGƯỜI MỚI RA TÙ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG, THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT, LANG THANG CƠ NHỠ GIAI ĐOẠN 2018-2021”

Thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và Quyết định số 2045/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” (sau đây viết tắt là Đề án). Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Đề án, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính Phủ.

2. Xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành của Thành phố; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị được giao nhiệm vụ phát huy vai trò chủ động, tăng cường các mối quan hệ phối hợp thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn Thành phố để từ đó thực hiện tốt các nội dung, tiến độ đề ra; phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, chú trọng việc lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm.

3. Các nội dung và giải pháp đề ra để triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo tính khả thi đúng tiến độ, có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu và phù hợp với đặc điểm tình hình của địa bàn Thủ đô.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án

a) Lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 04/KL-TW về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đưa nội dung tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án thành nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong chương trình công tác hàng năm.

b) Nhận thức đúng vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật trong tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống nói chung và vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật trong phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các vi phạm pháp luật khác đối với các đối tượng của Đề án nói riêng; quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi Đề án.

c) Đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của chủ thể chủ trì thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án.

d) Tích cực huy động, khuyến khích sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hành nghề pháp luật, nhà trường, cộng đồng dân cư, tổ hòa giải cơ sở, trưởng thôn, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng và gia đình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng dòng họ, gia đình để họ nhận thức rõ trách nhiệm trong phối hợp với chính quyền, ban ngành quản lý, giáo dục con em mình. Đặc biệt cần chú trọng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, thành lập các quỹ hoàn lương trong phạm vi của Đề án, các tổ chức hành nghề luật, luật sư tham gia tư vấn pháp luật, phổ biến pháp luật cho các đối tượng của Đề án.

2. Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của từng nhóm đối tượng

Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm điều tra, khảo sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý để xây dựng nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp và lựa chọn những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại, những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên thực hiện để tạo bước đột phá.

Hình thức điều tra, khảo sát: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xây dựng, phát phiếu điều tra tại một số đơn vị; thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị...

3. Tăng cường phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng của Đề án; gắn việc thực hiện Đề án với các hoạt động, chương trình có liên quan và các Đề án khác về phổ biến, giáo dục pháp luật để đảm bảo sự thống nhất, tiết kiệm về nguồn lực thực hiện và đạt hiệu quả cao

a) Công an Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan xây dựng quy chế phối hợp, phân công, thống nhất nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện Đề án, xác định lực lượng trung tâm thực hiện Đề án và các lực lượng phối hợp, cơ chế phối hợp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tránh trùng lặp, bảo đảm các mối quan hệ phối hợp được duy trì và đi vào nề nếp. Trong đó, xác định vai trò nòng cốt và chủ trì, điều hành của Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sự tham gia của các cơ quan phối hợp như: Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án Nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức đoàn thể (Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Hội Nông dân Thành phố...), cơ quan hành nghề pháp luật, tổ hòa giải cơ sở...

b) Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với theo dõi, quản lý đối tượng hạn chế tình trạng một số đối tượng đi khỏi nơi cư trú; đồng thời giáo dục, cảm hóa, bố trí việc làm giúp đối tượng tránh mặc cảm và tự tin trong tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt công tác phòng ngừa để đạt mục tiêu về hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

c) Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lồng ghép các hoạt động triển khai thực hiện Đề án với các chương trình, Đề án có liên quan mà sở, ban, ngành, đoàn thể đang thực hiện như: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện... để tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất, tiết kiệm nguồn lực thực hiện và đạt hiệu quả cao.

4. Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho các đối tượng của Đề án.

Về nội dung: Lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, gắn với nhu cầu tìm hiểu pháp luật, quyền và nghĩa vụ thiết thực của đối tượng, tránh chung chung, dàn trải, nhằm thu hút sự quan tâm của đối tượng để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, đặc biệt phải bám sát nội dung các quy định của pháp luật để tuyên truyền đúng định hướng.

Về hình thức: Tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú phù hợp với đặc điểm đặc thù của đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất, tranh thủ sự tham gia của những người từng vi phạm đã cải tạo, học tập tốt tạo ra dư luận tốt để giáo dục, thuyết phục đối tượng; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng đối với những nhóm đối tượng phù hợp.

Cụ thể với từng nhóm đối tượng như sau:

a, Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù cho nhóm đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù (thường gọi là phạm nhân), người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc:

- Về nội dung:

Trong thời gian phạm nhân chấp hành án phạt tù tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ tổ chức giáo dục pháp luật cho các đối tượng này theo các chương trình riêng biệt với những nội dung phù hợp, gồm: chương trình dành cho số phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, chương trình cho số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và chương trình cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.

Đối với học sinh trong trường giáo dưỡng, trại viên trong các cơ sở giáo dục bắt buộc, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền công dân, những hành vi bị nghiêm cấm, hậu quả khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đặc biệt là tội phạm), kỹ năng sống và bảo vệ bản thân trước những tệ nạn xã hội, các chuẩn mực đạo đức xã hội và ý chí phấn đấu vươn lên... Đối với học sinh trong trường giáo dưỡng, do đặc thù lứa tuổi thanh thiếu niên nên tập trung phổ biến, giáo dục những nội dung dễ hiểu và mang tính định hướng bằng những phương pháp trực quan sinh động để học sinh dễ tiếp thu, giúp hình thành thói quen tuân thủ pháp luật và góp phần định hình nhân cách.

[...]