Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 11973/UBND-KGVX năm 2021 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 11973/UBND-KGVX
Ngày ban hành 25/11/2021
Ngày có hiệu lực 25/11/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11973/UBND-KGVX

Khánh Hòa, ngày 25 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030;

Trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2020 và xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 114/TTr-SLĐTBXH ngày 26/5/2021; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Xoá bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.

II. CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Mục tiêu 1: Trong lĩnh vực chính trị

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

a) Chỉ tiêu và chủ trì thực hiện:

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì thực hiện theo nhiệm vụ phân cấp quản lý cán bộ, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện).

b) Các giải pháp:

- Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị trong việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch và những nhiệm kỳ tiếp theo. Chỉ đạo, thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác tổ chức cán bộ; xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu, đề bạt, đảm bảo cơ cấu hợp lý công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ngành đặc thù. Thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tăng cường trang bị nhận thức về giới, lồng ghép giới cho đội ngũ lãnh đạo các ngành, các cấp.

- Hàng năm rà soát, bổ sung cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, cán bộ trong nguồn quy hoạch giai đoạn 2021-2025; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ theo lộ trình phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; quan tâm chú trọng việc phát hiện đội ngũ cán bộ nữ trẻ có năng lực đảm bảo sự kế cận cho nguồn quy hoạch các chức danh giai đoạn 2025-2030 và ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới góp phần xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong đời sống xã hội và gia đình; đánh giá đúng vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đơn vị. Đa dạng hóa hình ảnh của người phụ nữ với các vai trò và nghề nghiệp khác nhau.

- Rà soát, thống kê, kiểm tra tỷ lệ các cơ quan, đơn vị có nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Từ đó có các biện pháp cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương, rà soát các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhưng chưa có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ để có kế hoạch luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo quản lý đảm bảo theo quy định.

- Tiếp tục triển khai Đề án số 07-ĐA/TU ngày 21/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

2. Mục tiêu 2: Trong lĩnh vực kinh tế, lao động

Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động

a) Chỉ tiêu và chủ trì thực hiện:

- Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các ngành liên quan).

- Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các ngành liên quan).

- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nữ giám đốc/ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất từ 27% vào năm 2025 (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì).

b) Các giải pháp

- Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động. Phát huy vai trò, chức năng của hệ thống thông tin về thị trường lao động, tư vấn về việc làm nhằm giảm chi phí tiếp cận việc làm và thời gian tìm việc của người lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề có tách biệt theo giới tính.

- Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện), đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nam, nữ khi tham gia bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

- Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng với các nguồn lực kinh tế (như các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách), bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh. Có chính sách ưu đãi đối với phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Xây dựng chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ đối với phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường các dự án kinh tế hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ ở những vùng khó khăn; phát triển các mô hình kinh tế trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và triển khai các biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu việc làm của phụ nữ ở nông thôn. Xây dựng và thực hiện chính sách đặc thù đối với lao động nữ làm việc ở vùng sâu, vùng xa và là người dân tộc thiểu số.

[...]