Kế hoạch 1182/KH-UBND năm 2020 triển khai Chương trình 36-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới do tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu | 1182/KH-UBND |
Ngày ban hành | 17/02/2020 |
Ngày có hiệu lực | 17/02/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký | H'Yim Kđoh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1182/KH-UBND |
Đắk Lắk, ngày 17 tháng 02 năm 2020 |
Thực hiện Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
1. Mục đích
- Tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể và giải quyết tốt các tranh chấp lao động.
2. Yêu cầu
- Triển khai Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/12/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới đạt kết quả cao, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa thành nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
1.1. Nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động
- Các cấp chính quyền phải quan tâm triển khai xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hoà quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động.
- Thông tin, tuyên truyền pháp luật về lao động, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến quan hệ lao động, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai và thực hiện; chú trọng phát huy các phương tiện truyền thông để định hướng, vận động, tập hợp người lao động, người sử dụng lao động trong xây dựng quan hệ lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
1.2. Tăng cường quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động
- Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải bố trí công chức quản lý tổ chức đại diện người lao động, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về lao động; đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các tranh chấp, xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến lao động và quyền lợi hợp pháp của người lao động.
- Tăng cường phối hợp, tích hợp thông tin dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động; tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu và phát triển thị trường lao động để các bên có cơ sở đối thoại, thương lượng.
- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế công đoàn, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
1.3. Thúc đẩy hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể
- Cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động phải quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể bảo đảm thực chất; thúc đẩy thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc và các chế độ phúc lợi, khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp; mở rộng đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể cấp ngành và nhóm doanh nghiệp.
- Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp theo nguyên tắc: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động; thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động
- Đổi mới hoạt động của các cấp công đoàn đáp ứng 2 yêu cầu trong tình hình mới; làm tốt chức năng đại diện trong đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo hướng xây dựng công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động; lấy sự hài lòng của người lao động làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn.
- Coi trọng tuyên truyền, vận động và phát triển đoàn viên công đoàn tại doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.