Kế hoạch 116/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2023
Ngày có hiệu lực 24/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2023

Thực hiện Kế hoạch số 28/KH-BCĐ ngày 24/01/2023 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm các sở, ban, ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong phòng, chống mua bán người; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mua bán người đã được chỉ ra trong năm 2022

2. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.

3. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo TIP năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

II. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo

- Tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người. Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu cao nhất là “bảo vệ an ninh con người”, “bảo vệ quyền con người”, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân (các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7”; triển khai Quyết định 9145/QĐ-BCĐ/CP ngày 06/12/2022 của Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành biểu mẫu thống kê phòng, chống mua bán người (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Duy trì các hoạt động liên ngành phòng, chống mua bán người: Hội nghị, hội thảo, tổ chức kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết, giao ban định kỳ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh,... Kiện toàn và duy trì hoạt động của tổ công tác liên ngành thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán (các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

2. Công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người

2.1. Công tác truyền thông và phòng ngừa xã hội

- Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người năm 2023 (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin, bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của lực lượng chức năng trên các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin, báo chí (Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện),

- Thông tin cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” cho cộng đồng người Việt Nam nói chung và người Thừa Thiên Huế nói riêng ở nước ngoài (Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Tuyên truyền về công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, phóng sự, tờ rơi về hỗ trợ nạn nhân (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và thực hiện phong trào xây dựng làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; tổ chức hội thảo, tuyên truyền, triển lãm phòng, chống mua bán người gắn với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, trường dân tộc nội trú; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người với phòng, chống tội phạm, phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về công tác phòng, chống mua bán người.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như: vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

2.2. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ:

- Lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ; bám sát địa bàn, đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn từ nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên, tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”; phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người, xuất cảnh trái phép.

- Chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng theo phương châm “Lấy phòng ngừa làm trọng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động tấn công, đánh trúng, đánh đúng, đánh vào gốc các loại tội phạm mua bán người” theo tinh thần “tích cực, khẩn trương, hiệu quả”. Chú trọng công tác phòng ngừa mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán người để cưỡng bức lao động...

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú, nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, vũ trường, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí..., mà tội phạm mua bán người có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội hoặc sử dụng làm nơi tập kết nạn nhân trước khi bán ra nước ngoài để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.

- Khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.

[...]