Kế hoạch 114/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, giai đoạn 2013-2016 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 114/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2013
Ngày có hiệu lực 21/10/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 114/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG”, GIAI ĐOẠN 2013-2016

Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); Thông tư Liên tịch số 30/2010/TTLT- BGDĐT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Ban Điều hành Đề án 1928 - Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2013-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (gọi tắt là đề án 1928) giai đoạn 2013-2016 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, CHỈ TIÊU

1. Mục đích.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người học, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Yêu cầu.

a) Tiếp tục kế thừa kết quả và kinh nghiệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bảo đảm sự liên tục và tính hệ thống của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

b) Thực hiện việc lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền theo hướng kết hợp lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành.

c) Tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả sự kết hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa; tích hợp, lồng ghép nội dung pháp luật một cách hợp lý trong môn học Đạo đức, môn học Giáo dục công dân ở phổ thông, môn Pháp luật ở các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; bảo đảm sự liên thông về kiến thức giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Kết hợp giáo dục thông qua các môn học với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

d) Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức và việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong ngành; phối hợp các lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong và ngoài ngành Giáo dục.

3. Chỉ tiêu cụ thể.

a) 100% các cơ sở giáo dục thực hiện việc giảng dạy đầy đủ kiến thức môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật được quy định trong chương trình, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng cấp học.

b) 100% các cơ sở giáo dục có đủ giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật với đúng chuyên môn đào tạo.

c) Từ năm học 2013 - 2014, 100% các cơ sở giáo dục có tủ sách (ngăn sách) pháp luật trong thư viện nhà trường với đầy đủ tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết, có quy chế khai thác tủ sách (ngăn sách) pháp luật và sử dụng có hiệu quả tủ sách (ngăn sách) pháp luật trong thư viện nhà trường để nâng cao hiểu biết pháp luật cho học sinh và cán bộ, giáo viên.

d) 100% đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hàng năm.

e) 100% học sinh, sinh viên trong nhà trường được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nắm được quy định pháp luật, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi và yêu cầu của ngành giáo dục thể hiện trong chương trình giáo dục.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

Kế hoạch này được áp dụng cho cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, các trường trung cấp, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ:

a) Tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

- Đối với giáo dục mầm non: Đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, về gia đình, về môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm... vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số yếu tố tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào học lớp 1;

- Đối với giáo dục phổ thông: Nâng cao chất lượng dạy và học môn học Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. Chú trọng các nội dung về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội... Đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh. Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục pháp luật và các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục pháp luật.

- Đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên của tất cả các ngành đào tạo cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Bảo đảm cho học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ra trường nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết;

- Đối với dạy nghề: Tiếp tục triển khai chương trình môn học Pháp luật trong các chương trình dạy nghề theo hướng cung cấp các nội dung pháp luật cụ thể trong đó chú ý các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng ngành nghề;

- Đối với giáo dục thường xuyên: Lựa chọn nội dung cơ bản, cần thiết, phù hợp với các chương trình và đối tượng giáo dục thường xuyên trong đó nội dung Pháp luật, Giáo dục công dân là bắt buộc đối với các chương trình cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

b) Triển khai có chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp.

[...]