Kế hoạch 08/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2013 -2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 08/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2014
Ngày có hiệu lực 28/02/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Lê Văn Dung
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG” GIAI ĐOẠN 2013 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trườnggiai đoạn 2013 -2016 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

- Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; rèn luyện ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên.

- Thường xuyên phổ biến, giáo dục sâu rộng những quy định của pháp luật phù hợp với các đối tượng trong nhà trường, cập nhật kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

- Đổi mới phương pháp dạy học, xác định rõ bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật là bộ môn quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.

- Sử dụng nhiều phương pháp, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL.

- Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa, các hoạt động ngoại khóa…; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pp luật của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, làm tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo.

- Quan tâm đầu tư có hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác PBGDPL; huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của phụ huynh, gia đình; sự tham gia, phối hợp các lực lượng xã hội trong công tác PBGDPL.

b) Mục tiêu cụ thể:

- 100% học sinh, sinh viên được học tập môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật theo chương trình chính khóa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng cấp học, trình độ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật liên quan đến từng đối tượng.

- Phấn đấu đến năm 2016, 100% trường học có đủ giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật đúng chuyên môn được đào tạo, không còn tình trạng dạy chéo môn. Định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên của các nhà trường.

- 100% trường học có tủ sách pháp luật và được trang bị tài liệu, thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Việc khai thác tủ sách pháp luật thực hiện theo đúng tinh thần Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Việc trang bị tài liệu, thiết bị, học liệu căn cứ theo Quyết định số 1467/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL trong trường mầm non, phổ thông.

- 100% đơn vị bố trí kinh phí dành riêng cho công tác PBGDP đủ để đáp ứng nhu cầu cho công tác dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật được quy định trong chương trình dạy học.

2. Yêu cầu

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, đúng quy định theo Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, đảm bảo đúng tiến độ, khoa học, khả thi.

- Các biện pháp thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với các đề án, chương trình đã và đang được triển khai thực hiện tại cơ sở giáo dục.

- Kết hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa; tích hợp, lồng ghép nội dung pháp luật một cách hợp lý trong môn học Đạo đức, Giáo dục công dân ở cấp học phổ thông, môn Giáo dục pháp luật ở các trường chuyên nghiệp; bảo đảm sự liên thông về kiến thức giữa các cấp học.

- Từng bước thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm phát huy mọi khả năng và các nguồn lực xã hội để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Việc nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường phải gắn với việc xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo thực sự trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức đối với việc dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục pháp luật; công tác PBGDPL trong nhà trường

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục.

b) Mỗi cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người học phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của bản thân.

c) Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý giáo dục, tập trung quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, của ngành nhằm trước hết thực hiện nhiệm vụ theo đúng pháp luật. Trên cơ sở đó tổ chức hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức học tập pháp luật theo định kỳ hàng quý, hàng tháng; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong học sinh, sinh viên.

[...]