Kế hoạch 11350/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 11350/KH-UBND
Ngày ban hành 11/12/2014
Ngày có hiệu lực 11/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Huỳnh Đức Thơ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11350 /KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN VỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” (sau đây viết tắt là Đề án), UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” (sau đây viết tắt là Kế hoạch) trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng, bảo đảm đến năm 2020:

a) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tối thiểu 95% hộ gia đình và cộng đồng được tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình (chú trọng đối tượng trong độ tuổi kết hôn, đặc biệt là nam giới); về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo và kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi.

b) 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại các cơ quan báo chí có kiến thức về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

2. Yêu cầu:

a) Thông tin, tuyên truyền đảm bảo lồng ghép với các chương trình, đề án khác có liên quan trên cơ sở vận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, các hình thức tuyên truyền hiện có; khuyến khích các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương chủ động tham gia vào việc tuyên truyền.

b) Nội dung tuyên truyền bảo đảm chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực, đa dạng; phù hợp với từng đối tượng, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, không ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

2. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; kiến thức, kỹ năng về hôn nhân gia đình.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau thông qua các hình thức:

a) Biên soạn sổ tay, tài liệu và tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

b) Biên tập, sản xuất bài viết, bản tin, phóng sự, tọa đàm, phim ngắn về đường lối, chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi; về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế.

c) Biên tập, sản xuất bài viết, bản tin, phóng sự theo các chuyên đề khác nhau cho đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn có được kiến thức cơ bản về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

a) Mở các chuyên mục, chuyên đề, chương trình tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trên các kênh phát thanh, truyền hình ở địa phương.

b) Mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, quảng cáo về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các báo, tạp chí in, báo điện tử.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Hướng dẫn triển khai thực hiện, đánh giá, tổng hợp báo cáo, tổ chức sơ kết, tổng kết về tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung a thuộc nhiệm vụ 1, Mục III Kế hoạch này.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố thực hiện tuyên truyền theo nhiệm vụ 2, Mục III của Kế hoạch này.

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thông tin tuyên truyền trên báo chí và đề xuất khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền.

[...]