Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 113/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2023
Ngày có hiệu lực 09/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Cà Mau, ngày 09 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030 với những nội dung cụ thể sau:

I. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt với sự kết hợp hài hòa của biển, rừng, cùng sự đan xen giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, tạo cho vùng đất Cà Mau đa dạng, phong phú sản vật, góp phần thúc đẩy sự hình thành các làng nghề truyền thống đa dạng. Căn cứ Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản hướng dẫn liên quan, Cà Mau có 11 nghề và 37 làng nghề được phê duyệt. Đến cuối năm 2017, do khan hiếm nguồn nguyên liệu, chất lượng, sản lượng kém ổn định, sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề hạn chế, số hộ dân tham gia làng nghề giảm do thu nhập từ hoạt động làng nghề không cao so với các hoạt động kinh tế khác,... nên toàn tỉnh chỉ còn lại 16/37 làng nghề còn hoạt động.

Đến ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, qua rà soát, các làng nghề trên địa bàn tỉnh không đáp ứng các tiêu chí theo quy định, nên chưa có làng nghề được công nhận theo Nghị định này.

II. KẾ HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; chú trọng phát triển làng nghề phù hợp thế mạnh của tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Khôi phục, bảo tồn và phát triển 15 làng nghề (bao gồm các làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh);

- Trên 50% làng nghề hoạt động có hiệu quả;

- 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản;

- Có ít nhất 20% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP);

- Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020;

- 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

b) Đến năm 2030

- Tiếp tục duy trì, bảo tồn các làng nghề đã có và khôi phục, phát triển 08 làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả;

- 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản;

- Có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP;

- Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025;

- 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Đổi mới phương thức chỉ đạo, đảm bảo sâu sát, hiệu quả; tập trung cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, chính sách phù hợp, sát thực tiễn để tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất.

[...]