ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
111/KH-UBND
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05/CT-TTG NGÀY 06/02/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày
06/02/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân
sự; Để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, tạo bước
chuyển mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ
thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung chủ
yếu sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Phát huy vai trò, sức mạnh của các
sở, ngành Thành phố, chính quyền các cấp trong công tác thi hành án dân sự. Nhằm
tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được
giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội; Chương
trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm
2017.
- Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong
việc tổ chức thi hành, chỉ đạo điều hành công tác phối hợp đảm bảo công tác thi
hành án dân sự trên toàn Thành phố có những chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa
kết quả thi hành án thực sự bền vững, năm sau cao hơn năm trước.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kịp thời,
nghiêm túc; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời
chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tập
trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng
đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thi hành án dân sự; nhận thức trong thực
thi pháp luật về thi hành án dân sự đối với người dân; phối hợp tạo điều kiện
cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đạt kết quả.
II. NỘI DUNG VÀ
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Cục Thi hành
án dân sự Thành phố
1.1 Tổ chức quán triệt các nội
dung của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn
thể cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự trên
địa bàn Thành phố.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội
dung văn bản số 945-CV/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 10/4/2015 về việc phối hợp
lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố và Kế hoạch
phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố
Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 2597/QĐ-UBND ngày 08/6/2015 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội).
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của
Thành phố; nhiệm vụ trọng tâm ngành Tư pháp, chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân
sự giao cho các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội trong
năm 2017. Xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn
liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch, vững mạnh, phù hợp với
quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo,
phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”.
1.2 Công tác tổ chức cán bộ
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT/TW
ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác
quản lý, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong đội ngũ cán bộ,
công chức các cơ quan Thi hành án dân sự.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên đảm bảo phẩm chất và năng lực
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân.
1.3 Công tác nghiệp vụ tổ chức
thi hành án
- Thực hiện tốt phương châm “hướng về
cơ sở”; chỉ đạo tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án và quyết định đã có hiệu
lực pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các
cơ quan, tổ chức xã hội và công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
- Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc
biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; các vụ
việc liên quan đến tín dụng, Ngân hàng và các vụ án tham nhũng; chỉ đạo việc tổ
chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, người được thi hành án
nhận tài sản trừ vào nghĩa vụ của bên phải thi hành án.
- Tăng cường công tác kiểm tra theo
thẩm quyền, kịp thời phát hiện, khắc phục xử lý tài sản để thi hành án. Xử lý
nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả,
chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân. Đẩy
nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
- Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp
vụ theo dõi thi hành án hành chính đối với các Chi cục Thi hành án dân sự trực
thuộc; tham mưu đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân
Thành phố kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm trong thẩm quyền đối với
các cá nhân, cơ quan tổ chức phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân
dân cùng cấp về hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
1.4 Công tác cải cách hành
chính
- Thực việc việc tổ chức Họp báo công
khai định kỳ hàng quý; tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong
quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án.
- Thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ
thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Đẩy mạnh cải
cách hành chính, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tốt cơ
chế một cửa trong thi hành án dân sự, Kế hoạch thực hiện việc khảo sát, đo lường
sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan Thi hành án
dân sự Thành phố.
2. Đề nghị Tòa án
nhân dân Thành phố
- Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự
và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố tham mưu cho cấp có thẩm quyền tiếp tục
hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi
hành án dân sự.
- Thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân
dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố kịp thời áp dụng các biện
pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án; chuyển giao bản án,
quyết định cho cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định; nhanh chóng giải quyết
đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử
dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải
quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự; kịp
thời giải thích bản án, quyết định tuyên không rõ, đảm bảo tính khả thi; xem
xét giải quyết tổng thể kết quả của việc thi hành án trong quá trình xem xét lại
bản án, quyết định đã thi hành. Chuyển giao quyết định buộc thi hành bản án
hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp theo dõi thi hành án hành
chính.
3. Đề nghị Viện
Kiểm sát nhân dân Thành phố
- Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác kiểm sát; phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân
Thành phố tham mưu cho cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án dân sự.
- Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc và Viện Kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố
kịp thời phối hợp giải quyết đối với các đề nghị, kiến nghị của Cơ quan thi hành
án dân sự các cấp. Quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đối tượng
là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần
nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
4. Công an Thành
phố
- Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp kịp
thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn
việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong
các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
- Chỉ đạo Công an các đơn vị trong
Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức bảo vệ an
ninh, trật tự, đảm bảo việc cưỡng chế thi hành án an toàn, hiệu quả theo đúng
quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ
Tư pháp - Bộ Công an quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi
hành án dân sự; kịp thời chấn chỉnh các đơn vị công an thiếu tinh thần phối hợp;
kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi
hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật; kịp thời
chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ cho cơ quan Thi hành án dân sự
đúng thời hạn.
- Chỉ đạo Trại tạm giam, Trại giam,
cơ quan Thi hành án hình sự Công an Thành phố; Công an các quận, huyện, thị xã
thuộc thành phố Hà Nội phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt việc
thông báo, giao trả giấy tờ, tài sản, xử lý tiền, tài sản thi hành án tồn đọng;
thu tiền, tài sản đối với các đương sự đang chấp hành hình phạt tù liên quan đến
thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số
07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Tài
chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải
thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm
nhân.
5. Sở Tư pháp
- Thường trực tham mưu, giúp Hội đồng
phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội
dung Chỉ thị số 05/CT- TTg và các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự.
- Tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức
tuyên truyền quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính
năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời
hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người
không thi hành Bản án, quyết định của Toà án và các văn bản Luật có liên quan
(Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và
các Nghị định hướng dẫn) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các
tổ chức bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án; kiến nghị xử lý nghiêm đối
với các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
6. Sở Tài chính
- Căn cứ điều kiện ngân sách, tham
mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động
cho các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn, tập trung vào các nhiệm vụ: Tổ
chức xác minh, cưỡng chế xử lý tài sản; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; ứng dụng
công nghệ thông tin; công tác bồi thường và bảo đảm tài chính trong thi hành án
dân sự,...
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra các tổ chức thẩm định giá tài sản để thi hành án, xử lý nghiêm các tổ chức,
cá nhân có vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời xử
lý các tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật.
7. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự
trong việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng đội ngũ công chức làm công
tác thi hành án dân sự.
- Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự
trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có liên
quan theo quy định đối với đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự.
8. Sở Thông tin
và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông
tin đại chúng của Thành phố thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu
rộng quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự, pháp luật về khiếu nại, tố
cáo và pháp luật liên quan; phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, khách
quan về hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp,
được xã hội quan tâm.
- Phối hợp tổ chức họp báo định kỳ của
Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
9. Sở Tài nguyên
và Môi trường
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và
có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng
quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là các trường hợp tẩu
tán tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án.
- Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử
dụng đất kịp thời cung cấp thông tin, thu hồi, hủy bỏ, cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất liên quan đến việc thi hành
án dân sự. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
10. Bộ Tư lệnh
Thủ đô
- Chỉ đạo các đơn vị kịp thời phối hợp
với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thực hiện việc xử lý vật chứng là
thuốc nổ và súng quân dụng.
- Phối hợp có hiệu quả trong công tác
thi hành án dân sự, đặc biệt là các vụ việc cưỡng chế thi hành án có khả năng
đương sự sử dụng vũ khí quân dụng, thuốc nổ để đe dọa, ngăn cản việc cưỡng chế
thi hành án.
11. Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa
bàn Thành phố thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối
hợp hiệu quả với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành các
vụ việc có liên quan đến tín dụng, Ngân hàng.
- Đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần
nhưng không có người mua; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố kịp
thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về
phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm.
12. Cục Thuế
Thành phố
- Phối hợp với các cơ quan Thi hành
án dân sự trong việc cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và nơi mở tài
khoản của người phải thi hành án là doanh nghiệp để kịp thời xử lý theo quy định.
13. Ủy ban nhân
dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã
- Tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp
ủy Đảng để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo công
tác thi hành án dân sự tại địa phương. Tiếp tục tham mưu thực hiện công văn
945- CV/TU ngày 10/4/2015 của Thành ủy Hà Nội về việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo
công tác thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực
thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng
mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án
trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc
biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, người nhận
tài sản để thi hành án; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn,
phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa
phương, các vụ án về tham nhũng và các vụ việc liên quan đến tín dụng, Ngân
hàng; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.
- Căn cứ điều kiện ngân sách của địa
phương, quyết định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan Thi hành án
dân sự trên địa bàn.
14. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mình tiếp tục quan tâm, giám sát, kiểm tra, tạo điều kiện để việc thực hiện
các nội dung của Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về
tăng cường công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
Thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Cục Thi hành án dân sự
Thành phố) trước 30/5/2017.
Giao Cục Thi hành án dân sự Thành phố
(Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự Thành phố) theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc triển
khai, thực hiện các nội dung được phân công tại kế hoạch này; định kỳ hàng năm
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực
hiện.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch
này nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân Thành
phố (thông qua Cục Thi hành án dân sự Thành phố tổng hợp) để kịp thời xem xét,
chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Tổng cục THADS;
- TT: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Ban Nội chính, Văn phòng Thành ủy;
- MTTQ và các đoàn thể Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: CVP, PCVP Phạm Chí Công, NC, TKBT, TH;
- Lưu: VT, NC(quangsơn)
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|