ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 11/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 01 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2013.
Tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn cả nước
dịch cúm gia cầm xảy ở 32 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và
tiêu hủy là 651.244 con; dịch LMLM xảy ra ở 12 tỉnh, thành phố với tổng số gia
súc mắc bệnh là 226 con trâu, 112 con bò và 2979 con lợn, số gia súc chết và
tiêu hủy là 12 con trâu, bò và 1222 con lợn; dịch lợn tai xanh xảy ra tại 28 tỉnh,
thành phố với tổng số 90.688 con mắc bệnh, trong đó chết 14.065 con, tiêu hủy
51.761 con.
Trên địa bàn Hà Nội dịch bệnh tuy có ổn định, nhưng
vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát tại các ổ dịch cũ. Để chủ động triển khai có hiệu
quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố và bảo
vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô; UBND Thành phố xây dựng “Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2013” như sau:
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH.
- Pháp lệnh thú y ngày 29/4/2004;
- Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của
Chính phủ;
- Quyết định số 64/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Danh mục các bệnh phải công bố
dịch; các bệnh nguy hiểm của động vật; các bệnh áp dụng các biện pháp phòng bệnh
bắt buộc;
- Căn cứ Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 22/6/2007
của UBND Thành phố Hà Nội về việc Ban hành “Quy định phòng, chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có
hiệu quả trên địa bàn Thành phố góp phần ổn định sản xuất và bảo vệ sức khỏe
cho nhân dân.
2. Yêu cầu:
- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ
Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch,
chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch,
sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền các biện pháp
phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân biết và tự giác thực hiện.
- Quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn,
xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm, bao vây, khống chế kịp thời, hiệu quả.
- Kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật, sản
phẩm động vật ra vào địa bàn thành phố; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho
đàn gia súc, gia cầm theo quy định; ngăn chặn và xử lý triệt để việc kinh doanh
gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn
thực phẩm.
III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN.
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm các cấp, có kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật
tư, hóa chất để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức kiểm tra định
kỳ, đột xuất việc triển khai công tác phòng, chống dịch.
2. Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình
thức, kịp thời, chính xác, dễ hiểu về tính chất nguy hiểm và các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân biết và tự giác thực hiện;
tránh gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Hướng dẫn dấu hiệu nhận biết dịch
bệnh, các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để người dân tự bảo
vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động phòng chống dịch bệnh.
3. Công tác tiêm phòng vắc xin.
- Tổ chức tiêm phòng đại trà các loại vắc xin cho
gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Tổ chức tiêm phòng 2 đợt đại trà.
+ Đợt 1: Tháng 3-4/2013
+ Đợt 2: Tháng 9-10/2013.
- Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các đối tượng gia
súc, gia cầm nhập mới, gia súc, gia cầm chưa được tiêm và gia súc, gia cầm đến
thời gian tiêm nhắc lại theo quy định của Cục Thú y từ ngày 20 đến ngày 25 hàng
tháng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo
quy định.
4. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng:
- Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch
cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động
vật trên địa bàn Thành phố: 5 đợt/năm.
- Ngoài ra, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức vệ
sinh, tiêu độc định kỳ các khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn tổ chức, cá nhân
có liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản
phẩm gia súc, gia cầm thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, thu
gom chất thải.
5. Giám sát dịch bệnh
- Tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến thôn,
xóm, hộ chăn nuôi, để kịp thời phát hiện dịch bệnh từ cơ sở.
- Thường xuyên lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi
rút cúm gia cầm, LMLM gia súc, tai xanh ở lợn; khi có động vật ốm, chết nghi do
mắc dịch bệnh nguy hiểm phải kịp thời thông báo và áp dụng ngay các biện pháp
phòng, chống dịch khẩn cấp, không để lây lan ra diện rộng.
- Trang bị phòng hộ an toàn cho người tiếp xúc, làm
việc trong khu vực nghi bị dịch, những người tham gia phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm.
6. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch, KSGM,
kiểm tra vệ sinh thú y.
- Tăng cường công tác thanh tra; kiểm tra, kiểm dịch
tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển
động vật và sản phẩm động, vật lưu thông trên địa bàn Hà Nội.
- Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật,
sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán, sơ chế động
vật và sản phẩm động vật. Các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia
cầm.
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành của thành
phố, quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đôn đốc tiến độ triển khai kế hoạch phòng chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm của các đơn vị.
- Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật
liên ngành của Thành phố 24/24 giờ; tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt
kiểm dịch liên ngành, đội kiểm dịch lưu động, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ
bên ngoài vào Thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết
mổ động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định.
- Phối hợp với các tỉnh xung quanh kiểm soát chặt
chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra,
vào Thành phố.
- Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy
định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
7. Duy trì trực đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm của thành phố để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các thông tin
về tình hình dịch bệnh.
8. Thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo, cung cấp
thông tin, báo cáo dịch bệnh. Định kỳ báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia
cầm về thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố
(Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của
Thành phố.
- Tham mưu cho UBND Thành phố, chỉ đạo kịp thời
công tác phòng chống dịch trên địa bàn; Kiểm tra việc triển khai công tác phòng
chống dịch của các cấp, ngành Thành phố.
- Tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất việc triển
khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
2. UBND các quận, huyện, thị xã.
- Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành
viên Ban chỉ đạo; lập kế hoạch và phương án, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ lực lượng,
vật tư chủ động đối phó kịp thời khi có dịch xảy ra.
- Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời,
chính xác về diễn biến dịch bệnh và biện pháp phòng chống trên hệ thống truyền
thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn, dấu
hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm
đê người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác
phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
- Thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi
phạm.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, thú y cơ sở
quản lý chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh
trên đàn gia súc, gia cầm tới tận thôn, xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm, kịp thời
bao vây, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức vệ sinh,
tiêu độc khử trùng môi trường theo quy định.
- Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đại trà và bổ sung
cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản
lý các chợ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chăn nuôi, vận chuyển,
kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đặc biệt cần xử
lý nghiêm với những trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm,
sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận
kiểm dịch, buôn bán không đúng nơi quy định.
- Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày
12/12/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ
và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước xóa bỏ giết
mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách
nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quản
lý.
3. Sở Nông nghiệp & PTNT (Cơ quan thường trực
BCĐ).
- Tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, tổ chức triển
khai thực hiện công tác phồng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn
Thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên
quan tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm ở các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố.
- Theo dõi, kiểm tra, báo cáo diễn biến tình hình dịch
bệnh, đề xuất kịp thời các giải pháp cho chỉ đạo có hiệu quả.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông
tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh gia súc,
gia cầm.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y và các đơn vị thuộc Sở:
• Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm.
• Tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho
gia súc, gia cầm để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu
quả; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y
cơ sở.
• Có kế hoạch, phương án, chuẩn bị đầy đủ và cung ứng
kịp thời vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
trên địa bàn Thành phố.
• Phối hợp với UBND các cấp tổ chức tiêm phòng vắc
xin đại trà và bổ sung cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố; tổ chức
vệ sinh tiêu độc khử trùng theo quy định.
• Giám sát chặt chẽ dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp
thời không để dịch lây lan ra diện rộng, đặc biệt là các dịch bệnh có khả năng
lây sang người
• Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết
mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến,
kinh doanh gia súc, gia cầm sản phẩm gia súc, gia cầm.
• Duy trì trực đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm của Thành phố, để tiếp nhận, giải quyết các thông tin về tình
hình dịch bệnh; duy trì trực tại các chốt kiểm dịch động liên ngành của Thành
phố 24/24 giờ.
• Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi
phạm công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
• Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng
các điểm giết mổ, kinh doanh, gia súc, gia cầm của Thành phố để đáp ứng nhu cầu
tiêu dung và vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân dân thủ đô.
• Phối hợp với các tỉnh trong công tác phòng, chống
dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vận
chuyển ra, vào Hà Nội.
4. Sở Công thương.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định
trong kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm trường
hợp kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc
xuất xứ.
- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về
công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố khi có
yêu cầu.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường cử cán bộ trực
tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành theo quyết định của UBND Thành phố.
5. Sở Y tế.
- Chủ trì phối hợp với các cấp chính quyền và các
ngành có liên quan của Thành phố kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ
sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm công tác đảm
bảo an toàn thực phẩm.
- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về
công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố khi có
yêu cầu.
6. Công an Thành phố.
- Phối hợp với các ngành trong kiểm tra công tác
phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực
phẩm trên địa bàn thành phố.
- Cử cán bộ tham gia trực tại chốt kiểm dịch liên
ngành theo quyết định của UBND thành phố.
7. Sở Tài chính.
Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch, chuẩn
bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch trong trường hợp cần
thiết; kiểm tra việc thực hiện kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đầu tư phục vụ
công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.
- Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành kiểm
tra việc thực hiện kế hoạch chi ngân sách phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
theo quy định của Nhà nước.
9. Các Sở, ngành liên quan căn cứ vào chức năng,
nhiệm vụ:
- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ
Nông nghiệp và PTNT và UBND Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch
bệnh gia súc, gia cầm.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm
tra, đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
trên địa bàn Thành phố.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO.
- Các quận, huyện, thị xã, các ngành định kỳ báo
cáo hàng tháng về thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của
đơn vị về Ban Chỉ đạo Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) để tổng hợp
tình hình, báo cáo UBND Thành phố.
- Khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo bằng điện
thoại vào 16 giờ hàng ngày và bằng văn bản 03 ngày một lần về Thường trực Ban
Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm Thành phố, điện thoại:
04.33800115 (Chi cục Thú y Hà Nội địa chỉ: đường Lê Trọng Tấn-Hà Đông-Hà Nội).
UBND Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch
bệnh gia súc, gia cầm Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc
các Sở, ngành, thành viên BCĐ và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc
triển khai thực hiện; Trong quá trình thực hiện có vấn đề phát sinh báo cáo
ngay về UBND Thành phố để kịp thời giải quyết.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Xuân Việt
|