Kế hoạch 109/KH-UBND năm 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" do tỉnh Kiên Giang ban hành
Số hiệu | 109/KH-UBND |
Ngày ban hành | 24/06/2019 |
Ngày có hiệu lực | 24/06/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký | Lê Thị Minh Phụng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/KH-UBND |
Kiên Giang, ngày 24 tháng 6 năm 2019 |
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
1. Tăng cường công tác tham mưu cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng. Huy động mọi nguồn lực; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tăng cường kỷ cương, ý thức pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định trên địa bàn tỉnh.
2. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về các hoạt động cho vay dân sự, hỗ trợ vốn; các phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” đến người dân.
1. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong các hoạt động tín dụng.
2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự (các quy định của Bộ luật Dân sự về Hợp đồng vay tài sản; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường và các văn bản hướng dẫn liên quan). Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ họ, hụi, biêu, phường trong thời gian qua để mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật; phát huy việc phòng ngừa ở Tổ nhân dân tự quản, khu dân cư đối với hoạt động “tín dụng đen”.
3. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện các Đề án: Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn; vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát, rải, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng nghi vấn đòi nợ với các hành vi đổ chất bẩn, chất thải, gây mất an ninh, trật tự. Phát động các phong trào bóc, gỡ, xóa bỏ các tờ rơi, biển quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh, nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
4. Thông tin rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để Nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay; đồng thời thực hiện tốt các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; xử lý nghiêm các trường hợp cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật.
5. Mở các cao điểm tấn công trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; triệt phá các băng, nhóm bảo kê, đòi nợ thuê sử dụng hung khí, vũ khí, công cụ hỗ trợ, các hình thức đe dọa, uy hiếp tinh thần để đòi nợ, núp bóng doanh nghiệp hoạt động cho vay lãi nặng. Tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cấp giấy đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Thành lập Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện do lực lượng Công an chủ trì để tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở kinh doanh có vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; xử lý những biển hiệu, quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen” vi phạm quy định về quảng cáo và Điều 5 Luật Các tổ chức tín dụng. Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, cơ sở, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
- Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương triển khai kế hoạch điều tra cơ bản trên địa bàn tỉnh về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ (có giấy phép và không có giấy phép), huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia họ, hụi, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,... để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm, gắn với triển khai có hiệu quả Đề án 2 về “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến 2030 theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp thành lập Tổ công tác liên ngành ở cấp huyện do lực lượng Công an chủ trì, thường xuyên kiểm tra hành chính đối với các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê (kiểm tra tất cả các cơ sở có giấy phép và không giấy phép), nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.
- Kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.
- Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiến nghị cơ quan cấp có thẩm quyền khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để đối tượng lợi dụng hoạt động.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia họ, hụi, biêu, phường; phát hiện triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.
- Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các văn bản hướng dẫn liên quan về xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi,... và các hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; lập hồ sơ, xử lý nghiêm (khởi tố hoặc xử phạt hành chính) các đối tượng vi phạm.
- Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung.
2. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Kiên Giang:
- Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các khoản cho vay ưu đãi, các sản phẩm tín dụng đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Giám sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động tối đa các nguồn vốn tại chỗ, tranh thủ mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.