Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2020 về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 108/KH-UBND
Ngày ban hành 08/09/2020
Ngày có hiệu lực 08/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Bùi Thế Cử
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã đảm bảo đúng nguyên tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp đa ngành nghề gắn với sản phẩm nông sản chủ lực.

Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã gắn với nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm. Phát triển kinh tế tập thể với tốc độ tăng trưởng hợp lý, tham gia cùng với các thành phần kinh tế khác trong tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đề ra.

Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động trực tiếp vào sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 7/9/2015 và Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2021-2025.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục củng cố đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác (THT) nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đưa kinh tế tập thể trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế nông thôn.

- Phát triển các HTX hoạt động có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc và các quy định của pháp luật; nâng cao tỷ lệ hợp tác xã khá, tốt, HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng; gắn việc đổi mới, phát triển hợp tác xã với nâng cao thu nhập cho thành viên góp phần thực hiện thành công Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành hoạt động các HTX, phấn đấu 100% thành viên chủ chốt của THT, HTX được các HTX, THT thông qua hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập mới thêm 80 HTX nông nghiệp, 700 THT nông nghiệp.

- Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 10% tổng số HTX có ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có trên 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn giúp nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành cho các cán bộ quản lý của HTX theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã và tổ hợp tác trong nông nghiệp;

- Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất.

2. Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới

- Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào (đất đai, lao động, vốn,...) hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ về giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản - chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Tìm kiếm, kêu gọi, huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của HTX; đổi mới phương thức quản lý, phát huy mạnh mẽ sự tham gia đóng góp công sức, trí tuệ của các thành viên trong PITX.

- Hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Chiến lược khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030...

3. Hỗ trợ về tài chính, tín dụng

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại các văn bản: Nghị định số 193/2013/NĐ-CP và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg..., tạo điều kiện thuận lợi giúp các cá nhân, THT, HTX có nhu cầu vay vốn tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.

[...]