Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2017 thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2017
Ngày có hiệu lực 10/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Dung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ”, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật và nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời khi thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

- Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Chú trọng cung ứng cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu và vùng xa.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

a) Tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực Dược;

- Đến năm 2020 phòng nghiệp vụ Dược Sở Y tế 4-5 DSĐH và sau Đại học. Khoa dược của trung tâm Y tế huyện, thị xã và thành phố hoặc bệnh viện phải có 2-­4 DS Đại học.

- Thanh tra Dược và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng thanh tra có từ 1-3 Dược sĩ Đại học.

- Các phòng Y tế huyện, thị xã và thành phố phải có DSĐH làm công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

- Đến năm 2020, 100% các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện huyện, thị xã, thành phố Huế có 3-5 DSĐH, 100% trạm y tế xã, phường, trị trấn có DSTH phụ trách công tác Dược. Phấn đấu năm 2020 toàn tỉnh có 2,0-2,5 DSĐH/10.000 dân (hiện nay có 1,9 DSĐH/10.000 dân).

b) Nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị:

- Năm 2020 50% và năm 2030 100% các doanh nghiệp Dược, kho thuốc của các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố Huế và kho thuốc của các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa cấp tỉnh phải đạt nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP).

c) Công tác kiểm nghiệm:

- Phát triển thành trung tâm kiểm nghiệm kỹ thuật cao của khu vực Miền Trung trên 3 lĩnh vực kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn GLP WHO và ISO/IEC 17025­

- Đủ năng lực kiểm tra chất lượng của tất cả các thuốc lưu hành trên thị trường.

- Là cơ sở thực hành về kiểm nghiệm và nghiên cứu dược cho các trường đại học và cao đẳng dược ở địa phương và khu vực Miền Trung.

d) Công tác Dược Bệnh viện:

- Năm 2020 100% các bệnh viện sử dụng công nghệ thông tin vào trong khâu quản lý và cấp phát thuốc.

- Năm 2020 có 50% bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng. Năm 2025 75% bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng. Năm 2030 100% bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng

- Từ năm 2017 hóa chất và vật tư sử dụng tại các đơn vị giao cho các đơn vị tự tổ chức đấu thầu để mua theo đúng quy định.

- Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, các cơ sở y tế công lập sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo trị giá tiền thuốc năm 2020: 60-70%.

- Đến năm 2020 tỷ lệ kê đơn thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hàng năm tăng 1 - 5%.

đ) Công tác sản xuất thuốc:

- Xây dựng và phát triển các nhà máy sản xuất thuốc. Năm 2020 có 2-4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thuốc đạt nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất theo tiêu chuẩn WHO "GMP-WHO"

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất thuốc trong tỉnh, tập trung sản xuất các loại thuốc vừa hết thời gian bảo hộ bản quyền, thuốc sản xuất nhượng quyền, gia công, chuyển giao công nghệ, chuyển giao thương hiệu... nhằm tận dụng hết công suất của các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP và tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương.

[...]