Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 104/KH-UBND về hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái năm 2024

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 03/05/2024
Ngày có hiệu lực 03/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Ngô Hạnh Phúc
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Yên Bái, ngày 03 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HỘI NHẬP QUỐC TẾ TỈNH YÊN BÁI NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW; Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái; Quyết định số 385/QĐ-BCĐHNQT ngày 21/3/2022 của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái.

Căn cứ Công văn số 1349/BNG-CNV ngày 15/3/2024 của Bộ Ngoại giao về định hướng công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; quán triệt đầy đủ và sâu rộng tới các cơ quan, đơn vị, địa phương về quan điểm, mục tiêu, các hoạt động của chương trình hành động về hội nhập quốc tế; phân công trách nhiệm cụ thể để phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương, định hướng về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời gian tới; khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường; mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài; triển khai có hiệu quả các nội dung thỏa thuận quốc tế đã ký kết; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tranh thủ các nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh để hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Yêu cầu:

- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế năm 2024 của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao.

- Đẩy mạnh công tác hội nhập và hợp tác quốc tế, trọng tâm là công tác ngoại giao kinh tế. Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, phát triển kinh tế đối ngoại, nhằm góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Nghị quyết 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề đối ngoại và các Đề án phát triển quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng.

2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Xác định đây là một động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, góp phần huy động các nguồn lực từ bên ngoài và bên trong, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.

3. Đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả, thực chất theo các trọng tâm ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu phát triển của địa phương, tiếp tục mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương và các đối tác nước ngoài đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả qua việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết đã ký; chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ...

Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và hợp tác hữu nghị của tỉnh với các đối tác nước ngoài năm 2024; tăng cường/mở rộng hợp tác với các thị trường tiềm năng; chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược như đầu tư phát triển hạ tầng, chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...; thu hút công nghệ tiên tiến, FDI chất lượng cao, ODA thế hệ mới và tài chính xanh.

4. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa hội nhập kinh tế với hội nhập văn hóa, quốc phòng - an ninh; giữa hợp tác song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp khai thác hiệu quả các kênh thông tin của Bộ Ngoại giao và Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác thu hút các nguồn lực, thiết lập và khai thác hiệu quả mối quan hệ hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia... góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

5. Tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), chủ động xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện các cam kết, giảm thiểu tối đa thiệt hại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục truyền thông có trọng tâm về nội dung các hiệp định thương mại tự do (FTA); đa dạng hóa các hình thức, kênh thông tin phù hợp để phổ biến sâu rộng cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

6. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực phụ trách, đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với cam kết của các FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

7. Tận dụng cơ hội, lợi thế từ Hiệp định thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đối tác, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; chủ động, tích cực tham gia và củng cố vững chắc vị trí các sản phẩm tiêu biểu có thế mạnh của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Kết hợp vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để phát triển doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

8. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tương xứng với thế và lực mới của đất nước, của địa phương, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ đối ngoại và hội nhập quốc tế tại địa phương.

Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp về đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức, năng lực, trình độ, kỹ năng về ngoại giao kinh tế, pháp luật quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ (Có phụ biểu kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ trì, tham mưu triển khai công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, công tác ngoại vụ địa phương. Là cơ quan chủ trì tham mưu kết nối giữa các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế... với các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh để tham mưu triển khai thống nhất, trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh theo định hướng và chỉ đạo của TW trong thời gian tới.

2. Sở Công Thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh)

Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện công tác hội nhập quốc tế của các cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh.

[...]