Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2020 về triển khai nhân rộng Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 11/05/2020
Ngày có hiệu lực 11/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104 /KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NHÂN RỘNG MÔ HÌNH “QUẢN LÝ, GIÁO DỤC, GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TẠI CỘNG ĐỒNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH ngày 02/01/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 25/5/2018 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về điều trị, cai nghiện ma túy giai đoạn 2018 – 2020; Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch nhân rộng Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn Tỉnh với nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MÔ HÌNH

Năm 2018, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo tổ chức thí điểm Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại 03 xã (Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh; Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc và An Bình A, thị xã Hồng Ngự) với mục đích nhằm kiềm chế, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Qua đánh giá kết quả triển khai mô hình tại 03 xã, đã tiếp cận được 243 người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy. Sau khi tiến hành tư vấn, phân loại quản lý, giáo dục, giúp đỡ đã có 88 người trong diện quản lý có chuyển biến tích cực, không còn sử dụng ma túy, (chiếm 36,21%). Mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao, cần triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

1. Mục tiêu, yêu cầu

- Nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và xã hội để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân.

2. Nội dung thực hiện

- Năm 2020, tổ chức thực hiện nhân rộng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại một số xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo mỗi huyện có ít nhất 50% số xã triển khai mô hình; trong đó, chú trọng những địa bàn có phát sinh nhiều tội phạm ma túy, đối tượng sử dụng ma túy và nghiện ma túy để triển khai.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí kinh phí bảo đảm tổ chức triển khai mô hình đạt hiệu quả.

- Tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, chính sách, pháp luật mới ban hành trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện và cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

- Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, kết hợp giữa truyền thông đại chúng và vận động trực tiếp, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn phát sinh người nghiện mới.

- Công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người nghiện ma túy phải gắn với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm nhằm giúp cho người sau cai nghiện có thu nhập ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, chính sách, pháp luật cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện công tác này.

- Mở rộng hình thức cai nghiện ma túy, thu hút nhiều người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện; vận động các bệnh viện công lập, tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa lĩnh vực quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

2. Công an Tỉnh

- Đấu tranh trấn áp mạnh với tội phạm ma túy, không để hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, tụ điểm nóng về mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn Tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý các cấp, nhất là Công an cấp xã thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đề nghị xử lý người nghiện ma tuý theo quy định, góp phần kéo giảm tội phạm và người nghiện ma tuý trên địa bàn Tỉnh.

3. Sở Y tế

- Hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị nghiện, nghiên cứu các phương pháp, bài thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn, chống tái nghiện; hướng dẫn xét nghiệm tìm chất ma túy và phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp.

- Chỉ đạo Trung tâm y tế cấp huyện hướng dẫn các Trạm Y tế cấp xã phối hợp với tổ công tác cai nghiện trong việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn trong hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy.

4. Sở Tài chính

Thẩm định và bố trí kinh phí hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ để tổ chức thực hiện nhân rộng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” theo quy định.

[...]