Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 102/KH-UBND
Ngày ban hành 23/07/2019
Ngày có hiệu lực 23/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 23 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÙNG NÚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2016- 2020 TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 86/2018/TT-BTC ngày 18/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Công văn số 5288/BGDĐT-KHTC ngày 22/11/2018 và Công văn số 5920/BGDĐT-KHTC ngày 28/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Ngãi như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020;

- Thông tư số 86/2018/TT-BTC ngày 18/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020;

- Công văn số 5288/BGDĐT-KHTC ngày 22/11/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020;

- Công văn số 5920/BGDĐT-KHTC ngày 28/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020.

II. THỰC TRẠNG NHU CẦU ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT TẠI CÁC  TRƯỜNG PHỔ THÔNG  DÂN  TỘC  BÁN  TRÚ  VÀ  CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ HỌC SINH BÁN TRÚ THEO HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Toàn tỉnh có 52 trường có học sinh bán trú theo học, trong đó có 27 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và 15 trường phổ thông vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú theo học; dự kiến năm 2019, 2020 sẽ thành lập thêm 13 trường PTDTBT tại huyện Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ. Hầu hết các trường thuộc vùng miền núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, khu ở nội trú cho học sinh còn tạm bợ, nhu cầu học sinh ở nội trú ngày càng nhiều.

Số học sinh bán trú, học sinh người dân tộc thiểu số tham gia học tập tại các trường PTDT bán trú và các trường phổ thông ngày càng tăng, chủ yếu tập trung ở các xã thuộc các huyện Tây Trà, Sơn Tây, Trà Bồng và Ba Tơ. Tuy vậy cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập còn nhiều hạn chế, thiếu thốn, phòng học còn nhà tạm; nhà ở bán trú, nhà ở nội trú, nhà vệ sinh, bếp ăn chưa đáp ứng nhu cầu ở bán trú của học sinh, nhiều nơi còn dột nát, xuống cấp. Học sinh phải ở lại bán trú, nội trú trong trường học tuy nhiên khuôn viên hàng rào một số trường, điểm trường còn sơ sài, thiếu sân chơi, khu sinh hoạt chung, nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc chưa có, còn thiếu phòng chức năng do vậy ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, sinh hoạt văn hóa cho học sinh.

Năm 2016, vốn Chương trình từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Quảng Ngãi 9.982 triệu đồng, tỉnh đã triển khai kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học và thiết bị nhà bếp, nhà ăn, sửa chữa khu ở nội trú học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà bếp cho một số trường, tuy nhiên không đáng kể so với nhu cầu thực tế. Dự kiến giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh cần thêm 115.500 triệu đồng để đủ đáp ứng điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú cho các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú theo học tại vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, trang thiết bị và đồ dùng khu ở nội trú; sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

2. Mục tiêu cụ thể

- Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, bàn ghế học sinh, thiết bị phục vụ dạy học trong phòng học cho 27 trường và điểm trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú theo học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng cho 27 nhà ăn, 27 nhà bếp, 27 khu nội trú học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ sửa chữa, cải tạo theo hướng nâng cấp, mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trường học theo quy định hiện hành cho 27 công trình nhà ăn, nhà bếp, 27 công trình khu ở nội trú, 27 công trình nhà vệ sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

IV. NỘI DUNG

Hỗ trợ trang thiết bị tối thiểu và bàn ghế học sinh, hỗ trợ trang thiết bị và đồ dùng khu nội trú, hỗ trợ duy tu sửa chữa nhà ăn, nhà bếp, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục thiết yếu của các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú theo học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương và địa phương; hỗ trợ hoạt động giám sát, đánh giá, triển khai Chương trình.

Tổng mức vốn thực hiện giai đoạn 2016-2020 là 128.816 triệu đồng, bao gồm: vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương là 96.582 triệu đồng (trong đó có 9.982 triệu đồng cấp từ ngân sách Trung ương năm 2016 đã thực hiện mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú và đồ dùng dạy học,  sửa  chữa  cơ  sở  vật  chất  cho  các  trường  PTDTBT),  ngân  sách  địa phương: 32.234 triệu đồng (trong đó đã thực hiện năm 2016 là: 3.334 triệu đồng). Ngân sách thực hiện kế hoạch trong giai đoạn tới là 115.500 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 86.600 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 28.900 triệu đồng (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo). Các nội dung chính:

1. Nội dung 1. Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu (20 bộ thiết bị dạy học tối thiểu và 20 bộ thiết bị dùng chung cấp trung học cơ sở, 15 bộ thiết bị dạy học tối thiểu và 15 bộ thiết bị dùng chung cấp tiểu học), bàn ghế học sinh và thiết bị phòng học văn hóa, thiết bị phòng học bộ môn cho 27 trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí là 21.396 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 16.047 triệu đồng, ngân sách địa phương là 5.349 triệu. (Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo)

2. Nội dung 2. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho 27 nhà ăn và 27 nhà bếp cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 11.900 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 8.925 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 2.975 triệu đồng). (Chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo)

3. Nội dung 3. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho 27 khu nội trú học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 16.350 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 12.262,5 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 4.087,5 triệu đồng). (Chi tiết tại Phụ lục 4 kèm theo)

4. Nội dung 4. Hỗ trợ để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất cho 27 nhà ăn, và 27 nhà bếp của trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 30.602 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 22.951,5 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 7.650,5 triệu đồng). (Chi tiết tại Phụ lục 5 kèm theo)

5. Nội dung 5. Hỗ trợ để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất cho 27 khu ở nội trú của trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 35.052 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 26.414 triệu đồng, ngân sách của địa phương là 8.638 triệu đồng). (Chi tiết tại Phụ lục 6 kèm theo)

6. Nội dung 6. Giám sát, đánh giá và triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương cả giai đoạn là 200 triệu đồng (ngân sách địa phương).

[...]