Kế hoạch 1016/KH-UBND về tăng cường năng lực Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2020 do tỉnh Lai Châu

Số hiệu 1016/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2020
Ngày có hiệu lực 25/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1016/KH-UBND

Lai Châu, ngày 25 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG QUY MÔ VỆ SINH VÀ NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN DỰA TRÊN KẾT QUẢ NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 3102/QĐ-BNN-HTQT ngày 21/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc điều chỉnh bổ sung quyết định 3606/QĐ- BNN-HTQT ngày 04/9/2015 về phê duyệt Văn Kiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch Tăng cường năng lực Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2018 với những nội dung sau:

I. Hiện trạng và các mục tiêu vệ sinh và cấp nước của tỉnh.

1. Tình hình chung.

Lai Châu là tỉnh miền núi nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2000, kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XI. Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 9.068,78 km2, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài đường biên giới là 265,095km, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Dân số toàn tỉnh đến hết năm 2019 là 463.911 người (nông thôn 346.200 người, thành thị 117.711 người) tỉnh có 8 huyện, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn. Địa hình chia cắt phức tạp, nhiều núi cao hiểm trở; khí hậu nhiệt đới điển hình, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Toàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống trên 1.164 bản (dân tộc Thái khoảng 33,5%, dân tộc Mông 23,6%, dân tộc Dao 14,4%, dân tộc Kinh 11,2%, dân tộc Hà Nhì 5,6% còn lại 11,7% là các dân tộc khác, trong đó có 2 dân tộc chỉ có ở Lai Châu đó là Mảng và La Hủ).

2. Hiện trạng vệ sinh và cấp nước đến hết năm 2019.

2.1. Hiện trạng vệ sinh.

- Vệ sinh hộ gia đình: Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 56,5 % số hộ gia đình có nhà tiêu trong đó tỷ lệ số hộ có nhà tiêu 02 ngăn: 4,8%; nhà tiêu tự hoại: 35,4%; nhà tiêu thấm dội: 16,8%; nhà tiêu 01 ngăn: 1,5 %; còn lại là các nhà tiêu khác. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 56,5 % trong đó ở nông thôn chiếm tỷ lệ 49%. Tuy nhiên tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các xã không đồng đều, đặc biệt còn nhiều xã khó khăn có số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS dưới 10%.

- Vệ sinh trạm Y tế.

+ 102/108 Trạm Y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS), chiếm 94,4%.

+ 94/108 Trạm Y tế có nguồn nước sinh hoạt HVS, chiếm 87%.

Tuy nhiên nhiều công trình vệ sinh và cấp nước cho trạm y tế được đầu tư đã lâu nay đã gần xuống cấp hoặc không đáp ứng các tiêu chí đầu ra của Chương trình, nên cần phải đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp.

- Vệ sinh trường học.

Năm học 2019-2020, toàn ngành Giáo dục Lai Châu có 352 trường với 5.711 lớp và 149.337 học sinh trong đó: Trường MN 114 trường 1.633 lớp với 40.423 học sinh; Tiểu học 98 trường 2.540 lớp với 58.076 học sinh; Trung học cơ sở 109 trường 1.095 lớp với 37.984 học sinh; THPT 25 trường 296 lớp với 9.951 học sinh; Trung tâm GDTX-GDNN 8 trung tâm, với 37 lớp và 903 học sinh. Tỷ lệ trường có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 84,1%, tỷ lệ trường có nguồn nước hợp vệ sinh là 9,5%, tỷ lệ trường có nhà tiêu hợp vệ sinh là 86,9%.

2.2. Hiện trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Tính đến hết năm 2019 có 82.5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 803 công trình cấp nước tự chảy phần lớn là công trình có quy mô nhỏ và rất nhỏ cấp nước cho cho trên 38.181 hộ dân với 222.250 nhân khẩu chiếm 59,31% dân số nông thôn với hình thức cấp nước tới các hộ dân chủ yếu bằng bể chứa và trụ vòi, còn lại cấp nước nhỏ lẻ từ máng khe suối nhỏ, mó nước, bể chứa nước mưa, giếng đào là 19,22 %.

3. Mục tiêu của tỉnh.

Lai Châu là một trong 21 tỉnh nằm trong chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2020, tỉnh Lai Châu đã đề ra các mục tiêu về vệ sinh và nước sạch như sau:

3.1. Mục tiêu về vệ sinh.

- Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã tại 08 xã tại 4 huyện: xã Bản Giang, Thèn Sin, Khun Há huyện Tam Đường; Khổng Lào, Ma Ly Pho huyện Phong Thổ; Mường Cang huyện Than Uyên, Thân Thuộc, Trung Đồng huyện Tân Uyên.

TT

Tên xã can thiệp để đạt vệ sinh toàn xã

Số thôn trong xã

Tổng số hộ trong xã

Số dân hưởng lợi trong xã

Tỷ lệ % nhà tiêu HVS đầu năm

Mục tiêu % nhà tiêu HVS cuối năm

1

Thèn Sin

8

657

3.188

63,9

72

2

Bản Giang

7

789

3.820

61,0

70

3

Khun Há

14

823

5.117

51,8

71

4

Khổng Lào

12

844

3.884

54,7

70

5

Ma Ly Pho

9

649

2.771

60,0

70

6

Thân Thuộc

08

822

3.762

59,0

72

7

Trung Đồng

16

1.427

7.022

56,0

72

8

Mường Cang

20

1.454

6.673

65,7

73,9

Tổng

94

7.465

36.237

 

 

- Cử cán bộ giáo viên nòng cốt tham gia đầy đủ các đợt tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn về giáo dục truyền thông do trung ương và tỉnh tổ chức.

- Cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân vệ sinh môi trường, trường học, tăng cường tiếp cận bền vững với nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh tại các đơn vị trường học trên địa bàn 03 xã: Khun Há, Mường Cang, Ma Ly Pho.

- 100% Cán bộ giáo viên nòng cốt của 03 xã được tập huấn tăng cường năng lực kiến thức về vệ sinh môi trường, nước sạch để có thể hướng dẫn học sinh các đơn vị trường về sử dụng và bảo quản nguồn nước, nhà tiêu đúng cách.

- 100% học sinh các đơn vị trường của 03 xã được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng nước hợp vệ sinh với xà phòng vào các thời điểm quan trọng.

- 100% giáo viên, cán bộ y tế trường học và học sinh của 03 xã được tuyên truyền, hướng dẫn cách bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước trong trường học.

[...]