Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1/KH-HĐTĐKT năm 2024 hướng dẫn tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI - năm 2025 do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành

Số hiệu 1/KH-HĐTĐKT
Ngày ban hành 20/05/2024
Ngày có hiệu lực 20/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1/KH-HĐTĐKT

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI NĂM 2025

Thực hiện Luật Thi đua khen thưởng và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tiếp theo các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Đánh giá kết quả của các phong trào thi đua yêu nước từ sau Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác khen thưởng trong giai đoạn 2025 - 2030.

2. Biểu dương thành tích và tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, vùng, miền trên cả nước trong thực hiện các phong trào thi đua; qua đó khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, từng ngành, địa phương.

3. Thông qua Đại hội khẳng định các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

4. Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành bảo đảm trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

II. NỘI DUNG VÀ TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH

1. Những nội dung tập trung thực hiện từ nay đến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Xây dựng đề cương tuyên truyền Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI. Các cơ quan thông tin truyền thông tập trung tuyên truyền về Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành; biểu dương ghi nhận những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác xây dựng đảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tạo không khí sôi nổi, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2024 và 2025, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.

- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng của các cấp, các ngành và nhân dân, để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Các ngành, các cấp phát động đợt thi đua đặc biệt, sôi nổi, sâu rộng, thiết thực, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; Cả nước chung tay Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua.

- Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (có đề án riêng).

- Chú trọng việc phát hiện các điển hình tiên tiến, nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua, được quần chúng, tập thể suy tôn để biểu dương, tôn vinh kịp thời hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng các hình thức khen thưởng phù hợp; có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng để các điển hình tiêu biểu được lan toả thực sự hiệu quả trong cuộc sống.

2. Hình thức, thời gian tổ chức

a) Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn; công ty, tổng công ty thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh) và cấp trên cơ sở (sư đoàn và tương đương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; tổng cục, cục và tương đương thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh).

- Hình thức tổ chức: Tùy theo quy mô và đặc điểm đơn vị, có thể lựa chọn các hình thức như: “Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến”, “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”, “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đại hội Thi đua Quyết thắng”, “Đại hội Thi đua Vì an ninh Tổ quốc” hoặc “Đại hội Thi đua yêu nước”.

- Thành phần và số lượng đại biểu:

+ Thành phần: Tập thể và cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua; các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong 05 năm (2020 - 2025).

+ Số lượng: Do đơn vị tổ chức quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cùng cấp.

- Thời gian tổ chức: 01 buổi. Cấp cơ sở hoàn thành trước và trong Quý I năm 2025; cấp trên cơ sở hoàn thành trước và trong Quý II năm 2025.

b) Đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

- Hình thức tổ chức: Đại hội Thi đua yêu nước.

- Thành phần và số lượng đại biểu:

+ Thành phần: Tập thể và cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua; các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong 05 năm (2020 - 2025).

+ Số lượng: Do đơn vị tổ chức quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; đảm bảo tính cân đối, cơ cấu đại diện các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp…

- Thời gian tổ chức: 01 buổi hoặc 01 ngày (tuỳ theo điều kiện của đơn vị), hoàn thành trong Quý III năm 2025

[...]