Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2023 về đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2030 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2023
Ngày có hiệu lực 11/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2030”.

b) Xây dựng phong trào công nhân lao động tích cực tham gia học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động thực hiện trách nhiệm, quyền lợi được học tập thường xuyên, hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

c) Duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong công nhân lao động; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện mô hình công nhân lao động học tập góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đất nước và hội nhập quốc tế.

b) Kế hoạch phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng.

c) Có sự phối hợp tích cực, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức thực hiện đạt và hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch đã đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của công nhân lao động; tuyên truyền, vận động để công nhân lao động tại doanh nghiệp hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời; hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, tiếp cận hệ thống giáo dục mở, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về chính trị, pháp luật: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80%, đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh có liên quan đến công nhân lao động gắn với những nội dung lý luận về chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Đồng Tháp.

b) Về kỹ năng nghề nghiệp: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề.

c) Về kỹ năng sống: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%, đến năm 2030 đạt 85% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống.

d) Về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%, đến năm 2030 đạt 85% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số.

đ) Về mô hình học tập: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%, đến năm 2030 đạt 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập" do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập

a) Tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về học tập suốt đời trong công nhân lao động ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 23/5/2022 của UBND Tỉnh về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030; Kế hoạch số 257/KH- UBND ngày 22/7/2022 của UBND Tỉnh về thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Tỉnh.

b) Tăng cường tuyên truyền thông qua hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề và hệ thống Zalo, trang thông tin, bản tin và các website sở, ngành Tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; biên soạn tài liệu, các hình thức tuyên truyền, sân chơi văn hoá, tạo điều kiện cho công nhân lao động nâng cao kiến thức về chính trị, pháp luật; tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động công nhân lao động, người sử dụng lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở.

c) Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam hằng năm; tuyên truyền, phổ biến, vận động công nhân lao động phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”, có kỹ năng số để có thể tự tìm kiếm, sử dụng, chia sẻ thông tin trên môi trường số, internet; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương công nhân lao động và con công nhân lao động hiếu học; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong công nhân lao động.

2. Triển khai các biện pháp hỗ trợ công nhân lao động được học tập thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời

a) Tiếp tục quan tâm triển khai, thực hiện các giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp để hỗ trợ công nhân lao động được học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

[...]