Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2014
Ngày có hiệu lực 28/02/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Lê Văn Dung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW NGÀY 18/9/2013 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 1551-CV/TU ngày 03/01/2014; Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và người dân về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Thực hiện tốt việc cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; xây dựng văn hóa an toàn lao động, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.

2. Yêu cầu

Thực hiện các quy định ca pháp luật về ATVSLĐ một cách nề nếp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không mang tính đối phó, hình thức. Tăng cường tính chủ động phòng ngừa trong công tác ATVSLĐ;

Công tác bảo đảm ATVSLĐ được triển khai đồng bộ trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; trong đó cần quan tâm chỉ đạo đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Khai thác đá, khai thác than, xây dựng, sản xuất xi măng, điện, cơ khí, đóng tầu, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...

3. Chỉ tiêu phấn đấu

Căn cứ chỉ tiêu Chương trình quốc gia ATVSLĐ của tỉnh giai đoạn 2011- 2015, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu sau:

- Hằng năm giảm 6% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành khai thác, chế biến khoáng sản; xây dựng; sản xuất, gia công kim loại, hoạt động điện lực và hoạt động hóa chất.

- Hằng năm tăng 6% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 5% số cơ sở được giám sát môi trường lao động.

- Hằng năm có ít nhất 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ.

- Hằng năm có ít nhất 1.000 người hoạt động trong các ngành nghề, công việc (thực hiện nghiêm các) có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 10.000 người làm việc trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 500 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; 150 cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến công tác ATVSLĐ tại cơ quan, đơn vị được tập huấn ATVSLĐ;

- Đến năm 2020 có 30 làng nghề, 350 hợp tác xã, 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp về ATVSLĐ; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý.

II. NỘI DUNG

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp cần xác định công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện môi trường điều kiện làm việc, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm sức khỏe cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng kỳ; đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người đứng đầu. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; gắn công tác ATVSLĐ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ban hành các tiêu chí chuẩn mực về ATVSLĐ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; công tác giám định và thực hiện các chính sách khắc phục hậu quả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phát động phong trào quần chúng xây dựng “văn hóa an toàn lao động” tại nơi làm việc và nâng cao “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

2. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc chủ động đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người sử dụng lao động và người lao động thấy được tầm quan trọng, lợi ích to lớn, lâu dài của công tác đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh. Làm tốt công tác ATVSLĐ góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong xu thế hội nhập quốc tế. Xác định đầu tư cho công tác ATVSLĐ là đầu tư cho phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phải tập trung hướng về cơ sở; đối tượng cần ưu tiên là người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại các doanh nghiệp khai thác đá, khai thác than, xây dựng, sản xuất xi măng, điện, cơ khí, đóng tầu, dịch vụ du lịch.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng; tăng cường việc tư vấn, phổ biến các kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và toàn xã hội; có biện pháp lồng ghép nội dung tuyên truyền ATVSLĐ với các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ.

Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; chú trọng việc tuyên truyền bằng hình thức trực quan, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu theo hình thức sân khấu hóa, thi viết, vẽ, sáng tác thơ... với chủ đề về ATVSLĐ vì hạnh phúc gia đình; tổ chức tốt đợt cao điểm tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ phòng chống cháy nổ hằng năm.

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có sức khỏe, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp và kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ