Kế hoạch 05/KH-UBND năm 2024 kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 05/KH-UBND
Ngày ban hành 04/01/2024
Ngày có hiệu lực 04/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 04 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ BỀN VỮNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2023-2025

Căn cứ Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;

Căn cứ Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025.

Trên cơ sở diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng mới gây ra các tình huống nghiêm trọng về dịch bệnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.

- Giảm ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

- Đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Rà soát, nghiên cứu các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; đầu tư phát triển, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; bãi bỏ, cập nhật các văn bản liên quan đến chính sách, quản lý không còn phù hợp có tính chất kiềm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.

b) Căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh, thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh.

c) Rà soát, lập danh sách các đối tượng đã tiêm, cần tiêm theo từng nhóm đối tượng; xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.

d) Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B cho các cơ sở khám chữa bệnh và cho người dân được biết.

đ) Giải quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19.

2. Công tác chuyên môn

a) Công tác giám sát

- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh.

- Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.

- Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.

- Rà soát, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, phù hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

b) Công tác điều trị

- Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...).

[...]