Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 03/KH-UBND
Ngày ban hành 02/01/2024
Ngày có hiệu lực 02/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 02 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TU, NGÀY 04/12/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 04/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bám sát quan điểm chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TU; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh nhằm tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Phát triển người tham gia BHXH, BHTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân; lấy người tham gia BHXH, BHTN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực để phấn đấu thực hiện. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN.

Xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu của Kế hoạch; đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN.

Đảm bảo thực hiện chính sách BHXH, BHTN phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu an sinh xã hội của người dân; bảo vệ quyền lợi của người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHTN theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh tại địa phương. Trong đó trọng tâm là phát triển người tham gia BHXH, BHTN phấn đấu bằng hoặc cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra; đối với các mục tiêu đã đạt tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, bảo đảm kết quả bền vững; đối với các mục tiêu chưa đạt, tăng cường các giải pháp để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025: có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 95%.

- Phấn đấu đến năm 2030: có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 97%.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN và phát triển người tham gia BHXH, BHTN đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.

2. Tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH, BHTN sâu rộng tại cơ sở cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư. Tập trung tuyên truyền theo hướng giải thích quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BHTN tạo sự an tâm trong xã hội, tạo lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội nói chung, về chính sách BHXH, BHTN nói riêng.

3. Tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả để khai thác toàn bộ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHTN ở tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác và các tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động đúng theo quy định của Luật BHXH và phát triển nhanh, bền vững số người tham gia BHXH tự nguyện.

Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, đầu tư các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có lợi thế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm tại chỗ trong khu vực chính thức cũng như khu vực phi chính thức. Phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện để có giải pháp phù hợp trong công tác phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.

4. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, BHTN.

5. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước; giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; thường xuyên rà soát, thống kê lực lượng lao động trong độ tuổi để nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển người tham gia BHXH, BHTN.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về BHXH:

- Hàng năm, UBND các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN để đưa vào nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định của Luật BHXH. Hàng tháng, các địa phương đưa nội dung này vào báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện phát triển người tham gia BHXH, BHTN góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

[...]