Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2021 về tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2021
Ngày có hiệu lực 11/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Văn Thiều
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 11 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến cuối năm 2020 xảy ra 48 vụ giết người, làm 40 người chết, 11 người bị thương, trong đó nhiều vụ giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn dã man, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Các vụ giết người xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các đối tượng gây án đa dạng về thành phần, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự nên gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Nguyên nhân trực tiếp các vụ giết người chủ yếu là do thù tức, mâu thuẫn tình ái, bộc phát nhất thời, tội phạm giết người ngày càng manh động, liều lĩnh, có thể không quen biết nạn nhân nhưng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại nạn nhân. Tình trạng người bệnh tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến hoang tưởng “ngáo đá” gây án có chiều hướng gia tăng. Mặc dù các vụ giết người đa phần được điều tra làm rõ, nhưng đã để lại những hậu quả thương tâm, nhiều vụ nếu được phát hiện sớm thì có thể phòng ngừa, ngăn chặn được.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm giết người, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng triển khai kế hoạch với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, từng bước kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm giết người, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phải đảm bảo yêu cầu chính trị, đúng trình tự, quy định của pháp luật và chế độ công tác của từng lực lượng tham gia. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ làm tốt nhiệm vụ được phân công.

Phấn đấu giảm tỷ lệ phạm tội giết người hàng năm; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm giết người từ 90% đến 95% số vụ.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả các Đề án được giao trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, lồng ghép các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người với nội dung, nhiệm vụ của Đề án; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn để xây dựng và phát triển địa phương.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

3. Thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở, tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa với xây dựng nông thôn mới tại cộng đồng dân cư; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư nhằm hạn chế và loại bỏ nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người.

4. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, Ban, Ngành, Đoàn thể trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở để xảy ra tội phạm giết người.

5. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường quản lý Internet, các trang mạng xã hội theo đúng các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trò chơi game online trái phép có nội dung bạo lực, các video clip có nội dung bạo lực, quảng cáo, phim ảnh đồi trụy, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng,... góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Thường trực, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng, chú trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, từ cơ sở; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nguyên nhân, điều kiện, trách nhiệm pháp lý và hậu quả, hệ lụy của tội phạm đối với gia đình, xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân.

- Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, tập trung đấu tranh, xóa bỏ các điểm, tụ điểm phức tạp. Tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; duy trì chế độ trực ban, trực chiến, bảo đảm xử lý nhanh, giải quyết kịp thời, triệt để các hành vi bạo lực, côn đồ.

- Tăng cường năng lực cho lực lượng Công an cấp xã để chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hòa giải không để kéo dài.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy tại cộng đồng; chú trọng lập hồ sơ đưa người vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, Cơ sở cai nghiện bắt buộc; quản lý thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không để các đối tượng sử dụng gây án. Phối hợp đưa người mắc bệnh tâm thần vào cơ sở điều trị, phối hợp quản lý chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.

- Chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm nguy hiểm, có biểu hiện hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “bảo kê”, liên quan hoạt động “tín dụng đen”,...

- Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án giết người, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm giết người, nhất là do các mâu thuẫn trong đời sống xã hội ở khu vực biên giới, cửa biển và trong phạm vi thuộc chức năng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Sở Tư pháp

- Tăng cường hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về thương lượng, hòa giải, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm giết người, chú trọng đổi mới hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người dân lựa chọn các hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo quy định của pháp luật.

[...]