Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020” trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2014
Ngày có hiệu lực 10/01/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Cao Thị Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/KH-UBND

Thái Bình, ngày 10 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA, TRẺ EM BỊ BỎ RƠI, TRẺ EM NHIỄM HIV/AIDS, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN CỦA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC, TRẺ EM KHUYẾT TẬT NẶNG VÀ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI THIÊN TAI, THẢM HỌA DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH.

Thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

Huy động sự tham gia của xã hội, gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp;

- Phát triển các hình thức nhận nuôi dưỡng có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS;

- Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và cộng đồng.

II. Nội dung hoạt động:

1. Truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng:

Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách liên quan đến trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cho người dân về trách nhiệm làm cha, làm mẹ và quyền của con cái trong gia đình, giúp các em tự trang bị kiến thức để phòng ngừa; thông qua các kênh tuyên truyền như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; in phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền; xây dựng các cụm panô liên xã cổ động trực quan việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông thông qua các mô hình hoạt động; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn, các cuộc thi truyền thông theo chủ đề, tổ chức sân chơi dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

2. Khảo sát, rà soát, phân loại, lập hồ sơ trẻ em:

Khảo sát, rà soát, phân loại, lập hồ sơ trích ngang trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em bị khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng xấu bởi thiên tai, thảm họa... trên địa bàn tỉnh, dự báo các vấn đề trọng điểm, xu hướng phát triển của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3. Thực hiện chính sách, phát luật và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

+ Tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm ổn định đời sống, tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện.

+ Lồng ghép với chương trình cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đảm bảo việc khám chữa bệnh cho các em được thuận tiện.

+ Thực hiện việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

+ Thúc đẩy các chính sách, cơ chế can thiệp sớm, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

+ Tăng cường trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí và thể dục, thể thao.

- Xây dựng các mô hình phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

+ Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật, các biện pháp phòng ngừa các trường hợp có khả năng phát sinh trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng.

+ Phát triển các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp cá nhân, gia đình được đánh giá có nguy cơ phát sinh trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

+ Xây dựng cơ chế phát hiện, can thiệp sớm các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Thực hiện Quy trình chăm sóc và trợ giúp xã hội tại cộng đồng gồm bốn giai đoạn chính: Trước khi tiếp nhận; tiếp nhận; thực hiện giải pháp chăm sóc nuôi dưỡng và dừng chăm sóc.

- Mở rộng và bổ sung chức năng cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, thí điểm chăm sóc bán trú có thu phí cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

[...]