Kế hoạch 1221/KH-UBND năm 2012 thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 1221/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2012
Ngày có hiệu lực 23/03/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1221/KH-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 3 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm phòng, chống tham nhũng và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nâng cao vai trò của xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến hết năm 2014, 100% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; 80% tuyên truyền viên pháp luật được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng.

b) Đến hết năm 2016, trên 95% cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp được quán triệt, học tập, nâng cao nhận thực về phòng, chống tham nhũng, nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

c) Đến hết năm 2016, những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

II. YÊU CẦU

1. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.

2. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai sâu rộng một số hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; kế thừa những kết quả và khắc phục những hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã thực hiện thời gian qua.

3. Gắn việc phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng với phổ biến việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

4. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

5. Kết hợp với các chương trình, đề án khác có liên quan về phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện Đề án.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến:

Tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu sau:

Văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; nội dung Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến:

a) Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

b) Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

c) Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp.

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” tại các sở, ngành, địa phương.

đ) Tổ chức hội thảo, toạ đàm, diễn đàn đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các chuyên đề pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

e) Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin, đại chúng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]