LIÊN NGÀNH: SỞ
LAO ĐỘNG-TBXH - SỞ Y TẾ - SỞ TÀI CHÍNH - SỞ GD & ĐT - BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH
KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/HDLN-SLĐTBXH-SYT-STC-SGDĐT-BHXH
|
Kon Tum, ngày 24 tháng
07 năm 2015
|
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI CẤP THẺ BHYT CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG XÃ HỘI, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ
PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN PHẦN KINH PHÍ DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐÓNG, HỖ TRỢ ĐÓNG
BHYT
Căn cứ Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo
hiểm y tế;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC
ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Liên Bộ Tư pháp - Công an - Y tế hướng
dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký
thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi;
Căn cứ Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 20/01/2015 của
UBND tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Bảo hiểm y tế;
Liên ngành: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Sở
Y tế - Sở Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo và Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum hướng
dẫn việc triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng người nghèo;
người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội (KT- XH) khó khăn; người không thuộc diện hộ nghèo đang
sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết của
Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT); trẻ em dưới 6 tuổi; người đã hiến bộ phận cơ thể
người; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên (HSSV); người thuộc
hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và
phương thức thanh toán phần kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng, hỗ trợ
đóng BHYT cho các đối tượng trên như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Đối tượng được cấp thẻ BHYT
1.1. Người thuộc diện hộ nghèo
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng
cho giai đoạn 2011 -2015 như sau:
- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình
quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ
nghèo.
- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình
quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ
nghèo.
Khi Chính phủ điều chỉnh chuẩn hộ nghèo thì áp dụng
theo chuẩn hộ nghèo mới.
1.2. Người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ
nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH khó khăn được quy định tại Quyết định
số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh hoặc thay thế
thì áp dụng theo Quyết định điều chỉnh, thay thế đó.
1.3. Người không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống
ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định số
2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và người không thuộc diện hộ
nghèo đang sinh sống ở thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được quy định
tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT.
Khi Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền có quyết định
điều chỉnh hoặc thay thế thì áp dụng theo Quyết định điều chỉnh, thay thế đó.
1.4. Trẻ em dưới 6 tuổi
1.5. Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy
định của pháp luật (gọi chung là người hiến tạng)
2. Đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT
2.1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng
cho giai đoạn 2011-2015 như sau:
- Khu vực nông thôn: hộ cận nghèo là hộ có mức thu
nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
- Khu vực thành thị: hộ cận nghèo là hộ có mức thu
nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
Khi Chính phủ điều chỉnh chuẩn hộ cận nghèo thì áp
dụng theo chuẩn hộ cận nghèo mới.
a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ
trợ 100% mức đóng BHYT
+ Người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát
nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ
gia đình cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2015 nhưng thời gian thoát
nghèo tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ 05 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ
thấp nhất là 01 năm.
+ Người thuộc gia đình hộ cận nghèo đang sinh sống
tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008
của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61
huyện nghèo (tỉnh Kon Tum có 2 huyện: KonPlong và Tu Mơ Rông).
+ Người thuộc gia đình hộ cận nghèo đang sinh sống
tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở
hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính
phủ được quy định tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng
Chính phủ (tỉnh Kon Tum có 03 huyện: Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy).
b) Người thuộc hộ cận nghèo được NSNN hỗ trợ 70%
mức đóng BHYT
Người thuộc hộ gia đình cận nghèo không quy định tại
điểm a mục này.
2.2. Học sinh, sinh viên đang theo học tại các
nhà trường thuộc các loại hình công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo
dục quốc dân, gồm: học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, đại học và
sau đại học, trừ những HSSV đang tham gia BHYT thuộc các đối tượng khác.
2.3. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp,
lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định tại Thông tư số
22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động TBXH.
II. NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG THỨC CẤP
THẺ BHYT
1. Nguyên tắc cấp thẻ BHYT
Mỗi người chỉ được tham gia BHYT theo một loại đối
tượng. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác
nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự
của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/TT-BYT-BTC ngày
24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính.
2. Phương thức cấp thẻ BHYT cho đối tượng được cấp
thẻ BHYT
2.1. Cấp thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện hộ
nghèo
Đối với người thuộc hộ gia đình nghèo: Thời hạn
sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đó.
Trường hợp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện, thành phố (gọi chung là huyện) nhận
được danh sách đối tượng tham gia BHYT kèm theo Quyết định phê duyệt danh sách
người thuộc hộ gia đình nghèo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau ngày 01
tháng 01 thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày Quyết định này có hiệu
lực.
Bước 1: UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung
là xã) lập danh sách đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo từng thôn, làng, tổ dân
phố (gọi chung là thôn) trên địa bàn xã (trừ các đối tượng đã được cấp thẻ BHYT
theo diện người có công cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, cán bộ xã, người hưởng
chính sách bảo trợ xã hội,...) gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội
(LĐ-TBXH) huyện, đồng thời kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New Roman.
Trên cơ sở quyết định công nhận hộ nghèo được UBND huyện ban hành, chậm nhất
vào ngày 30 tháng 11 hàng năm, Phòng LĐ-TBXH huyện kiểm tra tính chính xác, lập
văn bản đề nghị BHXH huyện cấp thẻ BHYT.
Từ năm 2016 trở đi, UBND xã lập danh sách tăng, giảm
đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo từng thôn trên địa bàn xã (trừ các đối tượng
đã được cấp thẻ BHYT theo chính sách khác) gửi Phòng LĐ-TBXH huyện, đồng thời
kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New Roman. Trên cơ sở quyết định công
nhận hộ nghèo được UBND huyện ban hành, chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hàng
năm, Phòng LĐ-TBXH huyện kiểm tra tính chính xác, lập văn bản đề nghị BHXH huyện
cấp mới thẻ BHYT đối với những trường hợp tăng và giảm những trường hợp không
thuộc hộ nghèo.
Bưóc 2: BHXH huyện in thẻ BHYT theo quy định.
Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị cấp thẻ, BHXH
huyện giao thẻ BHYT cho Phòng LĐ-TBXH huyện tại BHXH huyện (có biên bản giao,
nhận thẻ BHYT theo từng thôn, xã).
Bước 3: UBND xã nhận thẻ BHYT từ Phòng LĐ-TBXH
huyện (có biên bản giao, nhận thẻ BHYT theo từng thôn) và có trách nhiệm cấp thẻ
BHYT cho đối tượng tại nơi cư trú, có ký nhận thẻ BHYT theo danh sách.
Bước 4:
- Đối với trường hợp trả thẻ BHYT do đối tượng chết
hoặc không có người nhận, UBND xã có trách nhiệm lập danh sách thu hồi, có xác
nhận của Phòng LĐ - TBXH để gửi BHXH huyện.
- Đối với trường hợp đổi thẻ BHYT do in sai thông
tin trên thẻ (do lập danh sách không đúng), đối tượng gửi lại thẻ BHYT cho UBND
xã, đồng thời cung cấp thông tin chính xác cho UBND xã. UBND xã lập danh sách đề
nghị đổi thẻ BHYT, kèm thẻ BHYT in sai gửi BHXH huyện. BHXH huyện in thẻ, chậm
nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị, BHXH huyện giao
thẻ BHYT cho UBND xã tại BHXH huyện.
- Đối với trường hợp đổi thẻ BHYT do in sai thông
tin trên thẻ (do cơ quan BHXH in sai thông tin trên danh sách), đối tượng hoặc
UBND xã trực tiếp đến BHXH huyện đề nghị đổi thẻ BHYT (kèm thẻ BHYT in sai).
BHXH huyện in thẻ, chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thẻ in sai,
BHXH huyện giao thẻ BHYT cho đối tượng hoặc UBND xã tại BHXH huyện.
- Đối với trường hợp mất thẻ BHYT, BHXH huyện hướng
dẫn đối tượng làm đơn xin cấp lại theo mẫu quy định, gửi BHXH huyện. BHXH huyện
in thẻ, chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị, BHXH
huyện giao thẻ BHYT cho đối tượng tại BHXH huyện.
Bước 5: Định kỳ hàng quý, BHXH huyện lập bảng
tổng hợp theo mẫu quy định của từng trường hợp cấp mới, cấp bổ sung hoặc trả thẻ
BHYT để ghi tăng hoặc giảm thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, phối hợp Phòng LĐ-TBXH
huyện đối chiếu, cùng ký xác nhận và gửi bảng tổng hợp về BHXH tỉnh chậm nhất
vào ngày 15 của tháng cuối quý. BHXH huyện và Phòng LĐ-TBXH chịu trách nhiệm về
tính chính xác của số liệu cấp thẻ trên bảng tổng hợp.
2.2. Cấp thẻ BHYT cho đối tượng người dân tộc
thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH khó
khăn
Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT
từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đó.
Bước 1: Ở những xã có điều kiện KT-XH khó
khăn, UBND xã lập danh sách đối tượng người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ
nghèo đang sinh sống trên địa bàn xã chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách
khác, gửi Phòng LĐ-TBXH huyện (kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New
Roman). Phòng LĐ-TBXH huyện kiểm tra, lập văn bản đề nghị BHXH huyện cấp thẻ
BHYT chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hàng năm.
Từ năm 2016 trở đi, UBND xã lập danh sách tăng, giảm
đối tượng người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống trên
địa bàn xã chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác, gửi Phòng LĐ-TBXH
huyện (kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New Roman). Phòng LĐ-TBXH huyện
kiểm tra tính chính xác, chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hàng năm, Phòng LĐ-TBXH
huyện lập văn bản đề nghị BHXH huyện cấp mới thẻ BHYT đối với những trường hợp
tăng và giảm thẻ BHYT theo danh sách đề nghị giảm.
Các bước còn lại (từ bước 2 đến bước 5) thực
hiện tương tự đối với cấp thẻ BHYT cho đối tượng người thuộc diện hộ nghèo.
2.3. Cấp thẻ BHYT cho đối tượng người không thuộc
diện hộ nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được quy
định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và
người đang sinh sống ở thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được quy định
tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, chủ nhiệm UBDT.
Đối với người đang sinh sống tại vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày
01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đó.
Bước 1: Ở những thôn, xã có điều kiện KT-XH
đặc biệt khó khăn, UBND xã lập danh sách đối tượng người không thuộc diện hộ
nghèo đang sinh sống trên địa bàn thôn, xã (có hộ khẩu thường trú) chưa được cấp
thẻ BHYT theo các chính sách khác, (kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times
New Roman) đề nghị BHXH huyện cấp thẻ BHYT chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hàng
năm.
Từ năm 2016 trở đi, UBND xã lập danh sách tăng, giảm
đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn, chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hàng năm,
đề nghị BHXH huyện cấp mới thẻ BHYT đối với những trường hợp tăng và giảm thẻ
BHYT theo danh sách đề nghị giảm.
Bước 2: Định kỳ hàng quý, BHXH huyện lập bảng
tổng hợp theo mẫu quy định của từng trường hợp cấp mới, cấp bổ sung hoặc trả thẻ
BHYT để ghi tăng hoặc giảm thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, trình UBND huyện ký
xác nhận và gửi bảng tổng hợp (02 bảng) về BHXH tỉnh chậm nhất vào ngày 15 của
tháng cuối quý. BHXH huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu cấp
thẻ trên bảng tổng hợp.
2.4. Cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thời hạn sử dụng ghi
trên thẻ BHYT kể từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ
72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến
ngày 30 tháng 9 của năm đó. Thu tiền đóng BHYT từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72
tháng tuổi. Trường hợp trẻ sinh trước ngày 01/01/2015 thì thu tiền từ ngày
01/01/2015 đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.
- Thực hiện các bước cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6
tuổi theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày
15/5/2015 của Liên Bộ Tư pháp - Công an - Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông
các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm
y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
- Định kỳ hàng quý, BHXH huyện lập bảng tổng hợp
theo mẫu quy định của từng trường hợp cấp mới, cấp bổ sung hoặc trả thẻ BHYT để
ghi tăng hoặc giảm thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, trình UBND huyện ký xác nhận
và gửi bảng tổng hợp (02 bảng) về BHXH tỉnh chậm nhất vào ngày 15 của tháng cuối
quý. BHXH huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu cấp thẻ trên bảng
tổng hợp
2.5. Cấp thẻ BHYT cho người hiến tạng
Người hiến tạng làm đơn xin cấp thẻ BHYT có xác nhận
của UBND xã và các giấy tờ chứng nhận về hiến tạng, gửi BHXH tỉnh. BHXH tỉnh kiểm
tra tính pháp lý của các giấy tờ và tiến hành cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo
quy định.
3. Phương thức cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được
NSNN hỗ trợ đóng BHYT
3.1. Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận
nghèo:
3.1.1: Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng
Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo được
ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng: Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ
ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đó. Trường hợp, BHXH huyện nhận
được danh sách đối tượng tham gia BHYT kèm theo Quyết định phê duyệt danh sách
người thuộc hộ gia đình cận nghèo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau ngày
01 tháng 01 thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày Quyết định này có hiệu
lực.
Bước 1: UBND xã lập danh sách người thuộc hộ
gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo từng thôn trên địa
bàn xã (trừ các đối tượng đã được cấp thẻ BHYT theo chính sách khác) gửi Phòng
LĐ-TBXH huyện, đồng thời kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New Roman.
Trên cơ sở quyết định công nhận hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo được UBND huyện
ban hành vào hàng năm, Phòng LĐ-TBXH huyện kiểm tra tính chính xác, lập văn bản
đề nghị BHXH huyện cấp thẻ BHYT chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hàng năm.
Từ năm 2016 trở đi, UBND xã lập danh sách tăng, giảm
đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo theo từng thôn trên địa bàn xã (trừ các đối
tượng đã được cấp thẻ BHYT theo chính sách khác) gửi Phòng LĐ-TBXH huyện, đồng
thời kèm file dữ liệu phông chữ Unicode/Times New Roman. Phòng LĐ-TBXH huyện kiểm
tra tính chính xác, chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hàng năm, Phòng LĐ-TBXH huyện
lập văn bản đề nghị BHXH huyện cấp mới thẻ BHYT đối với những trường hợp tăng
và giảm những trường hợp không thuộc hộ thoát nghèo, hộ gia đình cận nghèo.
Các bước còn lại (từ bước 2 đến bước 5) thực
hiện tương tự đối với cấp thẻ BHYT cho đối tượng người thuộc diện hộ nghèo.
3.1.2: Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng
Bước 1: Trên cơ sở Quyết định công nhận hộ
gia đình cận nghèo hàng năm của UBND huyện, UBND xã xác nhận đối tượng thuộc hộ
gia đình cận nghèo (trừ người thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100%
mức đóng) khi đối tượng có nhu cầu mua thẻ BHYT. Đối tượng người thuộc hộ gia
đình cận nghèo mua BHYT cho toàn bộ người trong hộ gia đình (Riêng năm 2015, có
thể mua cho một hay nhiều người trong hộ gia đình) và nộp số tiền bằng 30% mức
đóng cho đại lý thu BHYT của Bưu điện nơi người cận nghèo cư trú.
Căn cứ vào số người tham gia, BHXH huyện tiến hành
in và cấp thẻ BHYT theo quy định.
Bước 2: Định kỳ 6 tháng 1 lần, BHXH huyện lập
bảng tổng hợp theo mẫu quy định của từng trường hợp cấp mới, cấp bổ sung hoặc
trả thẻ BHYT để ghi tăng hoặc giảm thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, phối hợp Phòng
LĐ-TBXH huyện đối chiếu, cùng ký xác nhận và gửi bảng tổng hợp về BHXH tỉnh chậm
nhất vào ngày 10 tháng 6 và ngày 30 tháng 11 hàng năm. BHXH huyện và Phòng
LĐ-TBXH chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu cấp thẻ trên bảng tổng hợp.
3.2. Đối với đối tượng học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, thuộc hộ người
dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH khó khăn, thuộc hộ gia
đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng, thuộc hộ gia đình đang sinh sống
ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thân nhân sỹ quan công an, quân đội,...không
thuộc đối tượng tham gia BHYT tại nhà trường (không đóng tiền cho nhà trường để
mua thẻ BHYT).
a) Mức đóng BHYT của HSSV
Mức đóng BHYT của HSSV = 4,5% x lương cơ sở x số
tháng
- Đối với HSSV không thuộc hộ gia đình cận nghèo:
+ HSSV nộp tiền mua BHYT tại nhà trường bằng 70% mức
đóng
+ NSNN hỗ trợ 30% mức đóng đối với đối tượng HSSV
- Đối với HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo được
NSNN hỗ trợ 70% mức đóng: nếu không tham gia BHYT tại hộ gia đình thì tham gia
BHYT tại nhà trường (có xác nhận hộ cận nghèo của UBND xã) nộp tiền mua BHYT bằng
30% mức đóng.
b) Phương thức đóng BHYT của HSSV
- HSSV đóng BHYT một năm một lần cho nhà trường vào
tháng 12 năm trước để nhà trường nộp cho BHXH huyện. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng
12 tháng của năm sau, từ ngày 01 tháng 01 đến 31 tháng 12.
- Đối với học sinh vào lớp 1, vào đầu năm học
(tháng 9) đóng tiền BHYT cho 3 tháng, thẻ BHYT có giá trị sử dụng 3 tháng, từ
ngày 01 tháng 10 đến 31 tháng 12 hàng năm, sau đó vào tháng 12 đóng tiếp 12
tháng cho năm sau như các lớp khác.
- Sinh viên năm thứ nhất đóng tiền (số tiền đóng
tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ) vào kỳ nhập học, thẻ BHYT có giá trị sử
dụng từ ngày 01 tháng liền kề của tháng nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT
được cấp lần trước đến 31 tháng 12 năm sau.
- Học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn sử
dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01 tháng 01 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm
học đó. Số tiền đóng tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ.
Trường hợp HSSV đã đóng tiền BHYT cho 12 tháng mà
trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở thì không phải truy
đóng số tiền chênh lệch so với mức lương cơ sở mới.
- Các trường lập danh sách HSSV tham gia BHYT và
thu tiền đóng BHYT của HSSV nộp trực tiếp vào tài khoản cơ quan BHXH huyện chậm
nhất vào ngày 30 tháng 9 hàng năm đối với học sinh mới vào lớp 1 và ngày 31
tháng 12 hàng năm đối với tất cả các khối lớp, gửi danh sách cho BHXH huyện để
tiến hành in thẻ BHYT.
Đồng thời nhà trường lập danh sách HSSV đã được cấp
thẻ BHYT trong năm theo đối tượng hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số đang sinh
sống ở xã có điều kiện KT-XH khó khăn, hộ gia đình đang sinh sống ở vùng có điều
kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thân nhân sỹ quan công an, quân đội,... gửi BHXH
huyện để có cơ sở chuyển tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu về các trường.
Trên cơ sở số HSSV tham gia BHYT và số tiền đã đóng
để mua thẻ BHYT theo quy định, BHXH huyện lập bảng đối chiếu với các trường có
HSSV tham gia BHYT.
3.3: Đối với đối tượng người thuộc hộ gia đình
làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Bước 1: Trên cơ sở Quyết định công nhận hộ
gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình hàng
năm của UBND huyện, UBND xã xác nhận đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp,
lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi đối tượng có nhu cầu mua thẻ
BHYT và nộp số tiền bằng 70% mức đóng cho đại lý thu BHYT của Bưu điện nơi cư
trú. Riêng năm 2015, có thể mua cho một hay nhiều người trong hộ gia đình. Từ
năm 2016 trở đi tham gia BHYT toàn bộ số người trong hộ gia đình.
Căn cứ vào số người tham gia, BHXH huyện tiến hành
in và cấp thẻ BHYT theo quy định.
Bước 2: Định kỳ 6 tháng 1 lần, BHXH huyện lập
bảng tổng hợp theo mẫu quy định của từng trường hợp cấp mới, cấp bổ sung hoặc
trả thẻ BHYT để ghi tăng hoặc giảm thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, trình UBND huyện
ký xác nhận, gửi bảng tổng hợp (02 bảng) về BHXH tỉnh chậm nhất vào ngày 10
tháng 6 và ngày 30 tháng 11 hàng năm. BHXH huyện chịu trách nhiệm về tính chính
xác của số liệu cấp thẻ trên bảng tổng hợp.
Lưu ý: Biểu mẫu lập danh sách đề nghị cấp thẻ
BHYT cho tất cả các đối tượng, bảng tổng hợp theo biểu mẫu ngành BHXH quy định.
III. PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN PHẦN
KINH PHÍ NSNN ĐÓNG, HỖ TRỢ ĐÓNG BHYT
1. Phương thức thanh toán phần kinh phí NSNN
đóng BHYT
- Đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân
tộc thiểu số không thuộc hộ nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH khó
khăn: Định kỳ hàng quý, trên cơ sở bảng tổng hợp số thẻ BHYT của BHXH huyện và
Phòng LĐ-TBXH huyện ký, xác nhận gửi về, BHXH tỉnh tổng hợp và phối hợp với Sở
LĐ-TBXH kiểm tra, xác nhận số liệu cấp thẻ BHYT toàn tỉnh, lập nhu cầu kinh phí
đóng BHYT gửi Sở Tài chính.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người không thuộc hộ
nghèo đang sinh sống ở thôn, xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn: Định kỳ
hàng quý, trên cơ sở bảng tổng hợp số thẻ BHYT của BHXH huyện có xác nhận của
UBND huyện gửi về, BHXH tỉnh tổng hợp số liệu cấp thẻ BHYT toàn tỉnh, lập nhu cầu
kinh phí đóng BHYT gửi Sở Tài chính.
- Căn cứ dự toán ngân sách UBND tỉnh giao hàng năm,
số liệu cấp thẻ BHYT của các đối tượng và nhu cầu kinh phí đóng BHYT do BHXH tỉnh
đề nghị, vào tháng đầu quý, Sở Tài chính làm thủ tục chuyển kinh phí tạm cấp
vào quỹ BHYT do BHXH tỉnh quản lý. Đến cuối quý, căn cứ bảng tổng hợp cấp thẻ
BHYT và nhu cầu kinh phí đóng BHYT của quý, Sở Tài chính chuyển tiếp kinh phí
cho đủ nhu cầu kinh phí của quý đó vào quỹ BHYT, chậm nhất đến ngày 31 tháng 12
hàng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó. BHXH
tỉnh có trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính theo quy định tại Thông tư liên
tịch số 41/2014/TTLT- BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính và
các quy định hiện hành.
- Đối với người hiến tạng: Trên cơ sở bảng tổng hợp
của BHXH tỉnh và các chứng từ hiến tạng, giấy giao nhận thẻ BHYT, mỗi năm 01 lần
vào cuối năm, Sở Tài chính làm thủ tục chuyển kinh phí vào quỹ BHYT do BHXH tỉnh
quản lý theo quy định.
2. Phương thức thanh toán phần kinh phí NSNN hỗ
trợ đóng BHYT
2.1. Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng: phương thức thanh toán như phương thức
thanh toán phần kinh phí NSNN đóng BHYT cho đối tượng người thuộc hộ gia đình
nghèo.
2.2. Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng và đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông
nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được NSNN hỗ trợ 30% mức
đóng
- Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo được
NSNN hỗ trợ 70% mức đóng: Định kỳ 6 tháng một lần, trên cơ sở bảng tổng hợp của
BHXH huyện và Phòng LĐ-TBXH ký, xác nhận gửi về, BHXH tỉnh tổng hợp và phối hợp
với Sở LĐ-TBXH kiểm tra, xác nhận số liệu cấp thẻ BHYT toàn tỉnh, lập nhu cầu
kinh phí đóng BHYT gửi Sở Tài chính.
- Đối với đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp,
lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được NSNN hỗ trợ 30% mức đóng: Định
kỳ 6 tháng một lần, trên cơ sở bảng tổng hợp của BHXH huyện có xác nhận của
UBND huyện gửi về, BHXH tỉnh tổng hợp số liệu cấp thẻ BHYT toàn tỉnh, lập nhu cầu
kinh phí đóng BHYT gửi Sở Tài chính.
- Căn cứ dự toán ngân sách UBND tỉnh giao hàng năm,
số liệu cấp thẻ BHYT của các đối tượng và nhu cầu kinh phí hỗ trợ đóng BHYT do
BHXH tỉnh đề nghị, Sở Tài chính làm thủ tục chuyển kinh phí vào quỹ BHYT do
BHXH tỉnh quản lý định kỳ 6 tháng một lần, chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hàng
năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó. BHXH tỉnh
có trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính theo quy định tại Thông tư liên tịch
số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính và các quy
định hiện hành.
2.3. Đối với học sinh, sinh viên
- Đối với học sinh các trường tiểu học, THCS và
dạy nghề trực thuộc UBND huyện, thành phố:
Định kỳ 6 tháng một lần, BHXH huyện lập bảng tổng hợp
theo từng trường về số học sinh tham gia, số tiền học sinh đã đóng BHYT, phối hợp
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đối chiếu, cùng ký, xác nhận và gửi về BHXH tỉnh
chậm nhất vào ngày 05 tháng 6 và ngày 05 tháng 11 để kịp tổng hợp gửi về Sở Tài
chính trước ngày 10 tháng 6 và ngày 15 tháng 11 hàng năm.
- Đối với HSSV các trường thuộc các Sở, ngành của
tỉnh quản lý:
+ Định kỳ 6 tháng một lần, BHXH huyện lập bảng tổng
hợp theo từng trường về số học sinh tham gia, số tiền HSSV đã đóng BHYT, cùng bảng
đối chiếu với từng trường gửi về BHXH tỉnh chậm nhất vào ngày 05 tháng 6 và
ngày 05 tháng 11 hàng năm.
+ BHXH tỉnh lập bảng tổng hợp theo từng trường về số
học sinh tham gia, số tiền đã đóng BHYT gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các
trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo); gửi Sở Y tế (đối với các trường trực
thuộc Sở Y tế); đối chiếu, ký xác nhận gửi Sở Tài chính trước ngày 10 tháng 6
và ngày 15 tháng 11 hàng năm.
- Đối với HSSV các trường trực thuộc Ủy ban nhân
dân tỉnh:
+ Định kỳ 6 tháng một lần, BHXH huyện lập bảng đối
chiếu với các trường về số HSSV tham gia, số tiền HSSV đã đóng BHYT gửi BHXH tỉnh
chậm nhất vào ngày 05 tháng 6 và ngày 05 tháng 11 hàng năm.
+ BHXH tỉnh lập bảng tổng hợp toàn tỉnh theo từng
trường về số HSSV tham gia, số tiền HSSV đã đóng BHYT gửi Sở Tài chính trước
ngày 10 tháng 6 và ngày 15 tháng 11 hàng năm.
Căn cứ dự toán ngân sách UBND tỉnh giao hàng năm, số
liệu cấp thẻ BHYT của các đối tượng và nhu cầu kinh phí hỗ trợ đóng BHYT do
BHXH tỉnh đề nghị, Sở Tài chính làm thủ tục chuyển kinh phí vào quỹ BHYT do
BHXH tỉnh quản lý định kỳ 6 tháng một lần, chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hàng
năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó. BHXH tỉnh
có trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính theo quy định tại Thông tư liên tịch
số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính và các quy
định hiện hành.
Trường hợp kinh phí Trung ương bổ sung mục tiêu
trong năm, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí để lập
thủ tục chuyển kinh phí vào quỹ BHYT do BHXH tỉnh quản lý theo quy định.
IV. VỀ SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN
KINH PHÍ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các
nội dung về sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục
theo quy định tại Điểm 6, Điều 11, Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11
năm 2014 của Chính phủ và Điều 18, Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24
tháng 11 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện BHYT.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH huyện thực hiện chuyển
kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện chăm
sóc sức khỏe ban đầu theo quy định tại Điểm 1, Điều 18, Thông tư số
41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính
về hướng dẫn thực hiện BHYT.
- Hàng năm tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí
chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các đơn vị được cấp kinh phí.
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo
dục quốc dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về các thủ tục cấp kinh phí
chăm sóc sức khỏe ban đầu theo đúng quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với UBND huyện
- Phê duyệt kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ gia đình
cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ phát sinh nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm
nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình do Phòng LĐ-TBXH huyện (Cơ quan thường
trực Ban chỉ đạo Chương trình MTQG của huyện) tham mưu đề xuất, bắt đầu từ
tháng 10 hàng năm.
- Ban hành Quyết định hộ nghèo, hộ gia đình cận
nghèo, hộ thoát nghèo, hộ phát sinh nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm
nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình hàng năm, chậm nhất vào ngày 30 tháng
11 theo kết quả rà soát hộ nghèo ở thôn, được Ban Giảm nghèo xã kiểm tra, UBND
xã đề nghị theo đúng quy trình rà soát hộ nghèo, bảo đảm tính công khai, dân chủ.
- Chỉ đạo UBND xã điều tra, lập danh sách đề nghị cấp
thẻ BHYT và tổ chức cấp thẻ kịp thời các đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi, người
nghèo, người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống ở xã có
điều kiện KT-XH khó khăn, người không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống ở
thôn, xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng. Theo dõi, lập danh sách các trường hợp trẻ
em từ 72 tháng tuổi trở lên (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm) mà thuộc đối tượng
hộ nghèo, người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống ở xã
có điều kiện KT-XH khó khăn, thuộc đối tượng người không thuộc diện hộ nghèo
đang sinh sống ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, thuộc đối tượng hộ gia đình cận
nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng để cấp thẻ BHYT kịp thời.
- Xác nhận số thẻ BHYT cấp cho đối tượng trẻ em dưới
6 tuổi; người không thuộc hộ nghèo đang sinh sống ở thôn, xã có điều kiện KT-XH
đặc biệt khó khăn; đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư
nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT trên địa bàn huyện.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về
BHYT.
2. Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
- Kiểm tra quy trình rà soát hộ nghèo, hộ gia đình
cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ phát sinh nghèo hàng năm, bảo đảm đúng đối tượng.
- Phối hợp với BHXH tỉnh kiểm tra, đối chiếu, xác
nhận số thẻ BHYT cấp cho các đối tượng người nghèo, hộ gia đình cận nghèo, người
dân tộc thiểu số không thuộc diện nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH
khó khăn.
- Phối hợp với BHXH tỉnh lập dự toán số tiền NSNN
đóng, hỗ trợ đóng cho các đối tượng người nghèo, hộ gia đình cận nghèo, người
dân tộc thiểu số không thuộc diện nghèo đang sinh sống ở xã có điều kiện KT-XH
khó khăn.
- Phối hợp với BHXH tỉnh xác nhận trẻ em dưới 6 tuổi
chưa được cấp thẻ BHYT nhưng đi khám chữa bệnh từ năm 2010 đến năm 2014.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về
BHYT.
3. Đối với Sở Y tế
- Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản
lý nhà nước về BHYT trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về
BHYT.
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tổ chức
khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm chất lượng với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho
người có thẻ BHYT.
- Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật
về BHYT.
4. Đối với Sở Tài chính
- Trên cơ sở dự toán kinh phí do BHXH tỉnh lập, phối
hợp các đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng dự toán ngân sách hàng năm trình cấp
có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật NSNN; Tham mưu UBND tỉnh phân bổ
nguồn kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu theo quy định.
- Căn cứ dự toán được UBND tỉnh giao, báo cáo tổng
hợp thực hiện đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng thụ hưởng do BHXH tỉnh lập
có xác nhận của các cơ quan liên quan, chuyển kinh phí kịp thời vào quỹ BHYT do
BHXH tỉnh quản lý. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hàng năm, Sở Tài chính phải
thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó.
5. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền, phổ biến
chính sách, pháp luật về BHYT HSSV trong nhà trường.
- Phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh tổ chức thực hiện
các giải pháp mở rộng BHYT đối với HSSV, phấn đấu đạt tỷ lệ tham gia BHYT 100%.
- Đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
thực hiện BHYT HSSV theo quy định của luật.
6. Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Tuyên truyền Luật BHYT, Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật BHYT một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
- Hướng dẫn BHXH huyện về công tác thu, in thẻ BHYT
để cấp cho các đối tượng quy định tại Hướng dẫn này.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra UBND
xã, Phòng LĐ-TBXH huyện và BHXH huyện về lập danh sách và số liệu tổng hợp cấp
thẻ BHYT.
- Có trách nhiệm lập dự toán và quyết toán phần
kinh phí NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT của các đối tượng với Sở Tài chính theo
quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của
Liên Bộ Y tế - Tài chính và các quy định hiện hành.
Các vấn đề liên quan khác thực hiện theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế -
Tài chính.
Các quy định của Hướng dẫn này được thực hiện từ
ngày 01/8/2015 và thay thế các Hướng dẫn liên ngành số 01/HD-LN ngày 24/6//2011
của Sở LĐ-TBXH- Sở Y tế - Sở Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo và BHXH tỉnh;
Hướng dẫn liên ngành số 1157/HDLN-SLĐTBXH-SYT-STC-BHXH ngày 09/11/2011 của Sở
LĐ-TBXH - Sở Tài chính - BHXH tỉnh về việc bổ sung Hướng dẫn liên ngành số
01/HD-LN ngày 24/6/2011 về BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi; Liên ngành số
04/LN-LĐTBXH-STC - BHXH ngày 12/7/2013 về việc triển khai thực hiện cấp thẻ
BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo
Quyết định số 705/QĐ-TTg.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc
đề nghị phản ánh kịp thời về Sở LĐ-TBXH, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và
Đào Tạo và BHXH tỉnh Kon Tum để phối hợp, nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
KT. GIÁM ĐỐC
SỞ TÀI CHÍNH
PHÓ GIÁM ĐỐC
Đồng Thanh Xuân
|
KT. GIÁM ĐỐC
SỞ Y TẾ
PHÓ GIÁM ĐỐC
Trần Ái
|
KT. GIÁM ĐỐC
SỞ LĐ-TBXH
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Trung Thuận
|
KT. GIÁM ĐỐC
BHXH TỈNH
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng Chính
|
KT. GIÁM ĐỐC SỞ
GD & ĐT
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Trọng Thắng
|
Nơi nhận:
- UBND tỉnh (để báo cáo);
- UBND các huyện, TP;
- Các sở: LĐ-TBXH, Y tế, Tài chính, GD&ĐT;
- BHXH tỉnh;
- Phòng LĐ-TBXH các huyện, TP;
- Phòng GD-ĐT các huyện, TP;
- Các trường CĐ, ĐH, THCN thuộc UBND tỉnh
- Bảo hiểm xã hội các huyện, TP;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu VT: Sở LĐ-TBXH, Sở YT, Sở TC, Sở GD&ĐT, BHXH tỉnh.
|
|
|
|
|