Hướng dẫn 681/HD-SGDĐT năm 2013 thực hiện Quy định quản lý dạy thêm, học thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 681/HD-SGDĐT
Ngày ban hành 18/04/2013
Ngày có hiệu lực 18/04/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Trọng Khiếm
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 681/HD-SGDĐT

Cần Thơ, ngày 18 tháng 04 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUY ĐỊNH QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM

Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Thông tư số 17);

Căn cứ Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quy định quản lý dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Quyết định số 06);

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc thực hiện Quy định quản lý dạy thêm, học thêm với một số nội dung cụ thể như sau:

I. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 1 của Thông tư số 17. Cần đặc biệt chú ý:

1. Mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức việc dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông và có thu tiền của người học đều là đối tượng áp dụng và thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 17, dưới bất kỳ hình thức nào như: nhóm học thêm, lớp dạy thêm, cơ sở dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức, trung tâm luyện thi, trung tâm gia sư, v.v… và không phân biệt số lượng, số lượt học sinh.

2. Trong trường hợp do cha, mẹ của học sinh, anh, chị của học sinh có yêu cầu và thỏa thuận với giáo viên dạy thêm cho con ruột, em ruột mình tại nhà riêng với số lượng từ 01 đến 04 học sinh thì không là đối tượng và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 17.

II. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm và các trường hợp không được dạy thêm

Thực hiện đúng theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 17 và đặc biệt chú ý các trường hợp sau đây:

1. Các trường tiểu học chỉ được tổ chức bồi dưỡng:

a) Về nghệ thuật: bồi dưỡng năng khiếu về âm nhạc, mỹ thuật, luyện chữ đẹp.

b) Về thể dục thể thao: bồi dưỡng năng khiếu ở các môn như bóng bàn, bóng đá, bơi, cầu lông, cờ vua, đá cầu, điền kinh, thể dục dụng cụ, v.v… nhằm chuẩn bị cho các kỳ Hội khỏe Phù Đổng của các cấp trường, quận, huyện, thành phố, khu vực và toàn quốc.

c) Về kỹ năng sống: bồi dưỡng kiến thức trên cơ sở lựa chọn các chủ đề giáo dục đạo đức dành cho học sinh tiểu học về gia đình, nhà trường, xã hội, môi trường, các quy định cơ bản của luật pháp, các quy tắc ứng xử trong giao tiếp, v.v…

2. Các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ tổ chức dạy 2 buổi/ngày có huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh, không được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

3. Công chức, viên chức quản lý và viên chức hợp đồng làm việc không thời hạn tại các cơ sở giáo dục công lập (gọi tắt là giáo viên các trường công lập), hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước không được đứng tên trong đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

4. Công chức, viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo đầy đủ chế độ làm việc và định mức tiết dạy theo quy định; hoàn thành nhiệm vụ được phân công tại đơn vị, được sự đồng ý của lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại các cơ sở dạy thêm được cấp phép.

5. Giáo viên các trường công lập đảm bảo đầy đủ chế độ làm việc và định mức tiết dạy theo quy định; hoàn thành nhiệm vụ được phân công tại đơn vị, được sự đồng ý của hiệu trưởng, có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại các cơ sở dạy thêm được cấp phép.

III. Tổ chức dạy thêm, học thêm

1. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường đảm bảo tuân thủ theo quy định tại các điều 6, 7, 8, và 9 của Thông tư số 17.

2. Nhằm đảm bảo sức khỏe và tính hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức, hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường không được thực hiện quá 3 tiết/buổi học (đối với hai buổi sáng, chiều), không được thực hiện quá 2 tiết/buổi học (đối với buổi tối) và không quá 3 buổi học/tuần cho một môn học.

3. Thời gian biểu dành cho các buổi học như sau:

a) Buổi sáng bắt đầu từ 07g30, kết thúc trước 10g30.

b) Buổi chiều bắt đầu từ 14g00, kết thúc trước 17g00.

c) Buổi tối:

- Có thể bắt đầu từ 17g30, kết thúc trước 20g00 đối với địa bàn nông thôn;

- Có thể bắt đầu từ 18g30, kết thúc trước 21g00 đối với địa bàn đô thị.

[...]