Hướng dẫn 67/HD-STNMT năm 2011 thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên ban hành
Số hiệu | 67/HD-STNMT |
Ngày ban hành | 31/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 31/10/2011 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Đoàn Văn Tuấn |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính |
UBND
TỈNH THÁI NGUYÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/HD-STNMT |
Thái Nguyên, ngày 31 tháng 10 năm 2011 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CẤP ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT SAU KHI HOÀN THÀNH CÔNG TÁC ĐO ĐẠC, LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH
Trong thời gian qua, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên qua đánh giá công tác cấp đổi giấy chứng nhận kết quả chỉ đạt 20-30%. vẫn còn 70 - 80% số thửa đất chưa được cấp đổi giấy chứng nhận. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường nhân lực hỗ trợ cấp huyện thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận những tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận vẫn còn chậm, lượng hồ sơ đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận ở một số địa phương còn tồn đọng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thủ tục cấp Giấy chứng nhận ở một số địa phương còn gặp vướng mắc, khó khăn, phức tạp dẫn đến vượt quá thời gian quy định làm chậm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 15/03/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận gồm có:
- Đơn đề nghị cấp đổi GCN (theo mẫu số 02/ĐK-GCN tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Danh sách các thửa đất nông nghiệp đề nghị cấp chung một GCN, nếu người sử dụng đất có yêu cầu (theo mẫu số 05/ĐK-GCN tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT).
- Bản sao GCN đã cấp.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận không quá 23 ngày làm việc.
Để việc cấp đổi giấy chứng nhận được nhanh gọn và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai có nề nếp, ổn định, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm công bằng, minh bạch trong các quan hệ về sử dụng đất đai và sở hữu tải sản gắn liền với đất. Khi thực hiện triển khai đồng bộ việc đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận đối với các xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã) đồng loạt cho tất cả các thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận như sau:
1. Đối với trường hợp thửa đất không có biến động so với các loại bản đồ đã sử dụng cấp giấy chứng nhận:
- Căn cứ BĐĐC và biểu thống kê diện tích, loại đất, chủ sử dụng (Biểu 13a của Quy phạm thành lập BĐĐC) đã được bàn giao sau khi đo đạc, cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn người sử dụng đất nhận đúng, nhận đủ các thửa đất của mình trên BĐĐC, kê khai ký nhận đơn và danh sách các thửa đất nông nghiệp đề nghị cấp chung một GCN (nếu có).
- UBND cấp xã xác nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ đủ điều kiện cấp đổi GCN đến Văn phòng ĐKQSDĐ cấp huyện.
- Văn phòng ĐKQSDĐ cấp huyện thẩm tra, xác nhận hồ sơ; in GCN cấp đổi chuyển đến Phòng Tải nguyên và Môi trường để trình UBND huyện quyết định thu hồi GCN đã cấp và cấp đổi GCN; thông báo đến UBND cấp xã để báo cho các chủ sử dụng đất, thu hồi GCN đã cấp và trao GCN cấp đổi.
2. Đối với trường hợp thửa đất có biến động:
Cán bộ chuyên môn thực hiện các công việc sau
- Hướng dẫn người sử dụng đất nhận đúng, nhận đủ các thửa đất của mình trên BĐĐC, kê khai ký nhận đơn và danh sách các thửa đất nông nghiệp đề nghị cấp chung một GCN (nếu có).
- Đối chiếu các thửa đất trên bản đồ và các tài liệu đã sử dụng để cấp GCN với BĐĐC để xác định các trường hợp biến động cụ thể.
- Phối hợp với cán bộ địa chính xã, trưởng xóm và chủ sử dụng đất tiến hành kiểm tra thực địa, xác minh rõ tình trạng và nguyên nhân biến động, lập biên bản kiểm tra hiện trạng thửa đất có biến động làm cơ sở cho việc xem xét xử lý hồ sơ.
Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, xác nhận về tình trạng biến động ranh giới thửa đất
2.1. Biến động về vị trí công trình nhà ở trên đất:
Trường hợp công trình nhà ở hiện nay thay đổi vị trí so với trước đây nhưng vẫn nằm trong ranh giới thửa đất ở có vườn, ao gắn liền đã được cấp GCN thì được làm thủ tục cấp đổi GCN.
2.2. Biến động về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất.
Sau khi đo vẽ BĐĐC các thửa đất đều có sự thay đổi về kích thước, diện tích so với bản đồ cũ đã cấp GCN. Diện tích thửa đất theo kết quả đo đạc địa chính đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của quy phạm sẽ có sự chênh lệch với diện tích đã cấp GCN theo các loại bản đồ cũ hoặc số liệu tự kê khai. Tùy từng trường hợp cụ thể giải quyết như sau:
- Trường hợp diện tích đo đạc địa chính ít hơn so với diện tích đã cấp GCN: Cấp đổi GCN theo diện tích của BĐĐC.
- Trường hợp diện tích đo đạc địa chính lớn hơn so với diện tích đã cấp GCN:
+ Nếu ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm cấp GCN trước đây và không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề thì cấp đổi GCN theo diện tích của BĐĐC.
+ Nếu ranh giới thửa đất hiện nay có sự thay đổi so với thời điểm cấp GCN trước đây mà diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy chứng nhận đã cấp, được UBND cấp xã xác nhận diện tích nhiều hơn là do khai hoang, nhận chuyển quyền của người sử dụng đất trước đó và đất dược sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì cấp đổi GCN theo diện tích của BĐĐC. Đồng thời xác định diện tích theo từng lý do biến động để yêu cầu chủ sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích chênh lệch theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận lý do thay đổi, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp hay không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết của địa phương.