Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hướng dẫn 628/BKHĐT-TH năm 2015 lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 628/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 01/02/2015
Ngày có hiệu lực 01/02/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký ***
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 628/BKHĐT-TH

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM 2016-2020
(Tài liệu phục vụ Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tại Hà Nội ngày 02 tháng 02 năm 2015)

Để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH ngày 15 tháng 8 năm 2014. Để phục vụ cho công tác lập kế hoạch đầu tư trung hạn của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin hệ thống lại và hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

I. PHẠM VI VÀ CĂN CỨ, NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

1. Phạm vi lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương bao gồm: Kế hoạch đầu tư từ các nguồn: vốn NSNN; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương.

2. Căn cứ và nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải được thực hiện theo đúng các căn cứ và nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg, trong đó các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý:

- Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Đối với các dự án khởi công mới trong 5 năm 2016-2020 ngay từ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 bộ, ngành và địa phương phải bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để trình duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

- Trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.

3. Xác định chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu

a) Về chương trình mục tiêu quốc gia

Theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, cơ quan Trung ương phụ trách 14 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong giai đoạn 2011-2015 còn lại rà soát, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan đến giảm nghèo vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng nông thôn mới vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình này trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, dự kiến báo cáo xin ý kiến Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII vào tháng 5 tới.

b) Về chương trình mục tiêu

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và tăng quyền chủ động trong việc bố trí vốn kế hoạch hàng năm, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ tương tự nhau. Trong từng ngành, lĩnh vực (nếu cần thiết có chương trình mục tiêu) chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 2 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

b.1) Đối với với chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác do Trung ương quản lý: các bộ, ngành quản lý nhà nước đề xuất trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tối đa không quá 2 chương trình mục tiêu/ngành, lĩnh vực (nếu cần thiết có chương trình mục tiêu).

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 11 bộ đề xuất 19 chương trình mục tiêu1. Tuy nhiên, một số bộ mới đề xuất danh mục, chưa có Báo cáo chủ trương đầu tư. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (xác định phần vốn sự nghiệp của chương trình nếu có) và các bộ chủ chương trình rà soát lại danh mục các chương trình, theo hướng thu hẹp số lượng chương trình, tạo thuận lợi cho các địa phương lồng ghép nguồn vốn đầu tư trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg.

Trong việc xác định các chương trình mục tiêu, các bộ chủ chương trình căn cứ vào tình hình cân đối vốn của chương trình trong 5 năm qua và nhu cầu trong 5 năm tới, có chia ra phần ngân sách trung ương và phần của địa phương. Các bộ chủ chương trình cân đối xây dựng các mục tiêu, nội dung của chương trình cho phù hợp, khắc phục tình trạng đưa mục tiêu và tổng mức đầu tư quá cao2, thiếu tính khả thi như trong thời gian qua.

Sau khi lựa chọn chương trình mục tiêu và dự kiến nguồn vốn cân đối cho từng chương trình, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, trong đó chia ra vốn đầu tư và vốn sự nghiệp (vốn sự nghiệp phải làm việc với Bộ Tài chính), các bộ chủ chương trình đề xuất danh mục và các nội dung chủ yếu của chương trình, bao gồm: mục tiêu, phạm vi, nội dung chủ yếu, sơ bộ tổng số vốn và các nguồn vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp trình Chính phủ xem xét danh mục chương trình.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ chủ chương trình khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh Báo cáo chủ trương đầu tư trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 15 tháng 3 năm 2015.

b.2) Đối với các chương trình mục tiêu sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác do địa phương quản lý: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ o mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu của địa phương.

c) Xử lý đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020

- Trong năm 2015, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang của các chương trình. Không mở thêm các dự án mới.

Trường hợp một số ít dự án dở dang do lý do khách quan, chưa thể hoàn thành trong năm 2015, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành dự án. Điều chỉnh giảm quy mô, giãn, hoãn tiến độ thi công các dự án trong trường hợp không cân đối được nguồn vốn. Cần lưu ý khi cắt giảm quy mô, giãn, hoãn về điểm dừng kỹ thuật của dự án để phát huy hiệu quả của các hạng mục đã đầu tư dở dang, tránh thất thoát, lãng phí.

- Đối với một số nhiệm vụ của chương trình chưa hoàn thành, sẽ lồng ghép vào các chương trình khác có mục tiêu tương tự nhau, hoặc vào nhiệm vụ thường xuyên và bố trí trong vốn đầu tư và chi thường xuyên của bộ, ngành và vốn cân đối ngân sách ngân sách địa phương để thực hiện.

II. LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRƯNG HẠN 5 NĂM 2016-2020

[...]