Hướng dẫn 48-HD/VPTW năm 2015 về công tác văn thư trong các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 48-HD/VPTW
Ngày ban hành 11/03/2015
Ngày có hiệu lực 11/03/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lê Quang Vĩnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 48-HD/VPTW

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC VĂN THƯ TRONG CÁC CƠ QUAN CỦA TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

- Căn cứ Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 06-12-2014 của Ban Bí thư về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Căn cứ Luật Giao dịch điện tử của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 51/2005/QH11, ngày 29-11-2005 và Quy định số 269-QĐ/TW, ngày 25-11-2014 của Ban Bí thư về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng;

- Căn cứ văn bản số 01/VBHN-BNV, ngày 25-02-2014 của Bộ Nội vụ xác thực hợp nhất Nghị định số 110/2004/NĐ-CP, ngày 08-4-2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP, ngày 08-02-2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP, ngày 08-4-2004 của Chính phủ về công tác văn thư,

Để thống nhất các nội dung nghiệp vụ trong công tác văn thư, phù hợp với các quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm thông tin cho các hoạt động lãnh đạo, quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác văn thư trong các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội như sau:

I- HƯỚNG DẪN CHUNG

1- Phạm vi và đối tượng áp dụng

- Hướng dẫn quy trình, thủ tục, nội dung nghiệp vụ trong công tác văn thư, bao gồm: việc soạn thảo, ban hành, quản lý văn bản đi; tiếp nhận, quản lý văn bản đến; lập hồ sơ hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu.

- Hướng dẫn này được vận dụng để xây dựng và ban hành các quy định, quy chế công tác văn thư trong các cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

2- Giải thích từ ngữ

Trong Hướng dẫn này, những từ ngữ dưới dây được hiểu như sau:

- Công tác văn thư là các công việc về soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý văn bản và tài liệu khác hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức; lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, tổ chức; quản lý và sử dụng con dấu trong văn thư.

- Văn thư cơ quan là đơn vị hoặc cá nhân được giao thực hiện các nhiệm vụ của công tác văn thư cơ quan.

- Văn thư đơn vị là cá nhân trong đơn vị của cơ quan, tổ chức, được người đứng đầu đơn vị giao thực hiện một số nhiệm vụ của công tác văn thư như: tiếp nhận, đăng ký, trình ký, chuyển giao văn bản, quản lý hồ sơ, tài liệu của đơn vị trước khi giao nộp vào lưu trữ cơ quan.

- Văn bản là phương tiện ghi tin và truyền đạt thông tin hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan bằng ngôn ngữ hoặc ký hiệu, được trình bày theo thể thức nhất định.

- Văn bản đi là tất cả các loại văn bản, bao gồm văn bản giấy, văn bản điện tử do cơ quan phát hành.

- Văn bản đến là tất cả các loại văn bản, bao gồm văn bản giấy, văn bản điện tử và đơn, thư do cơ quan nhận được từ cơ quan, cá nhân gửi đến.

- Bản thảo văn bản là bản được viết hoặc đánh máy, hình thành trong quá trình soạn thảo một văn bản.

- Bản gốc văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền.

- Bản chính văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản và được cơ quan ban hành.

- Bản sao văn bản là bản chụp hoặc đánh máy lại chính xác từ bản chính của văn bản có xác nhận sao của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Hồ sơ là một tập tài liệu có liên quan với nhau về một vấn đề, một sự việc, một đối tượng cụ thể hoặc có đặc điểm chung, hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hồ sơ nguyên tắc là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về những mặt công tác nghiệp vụ nhất định dùng làm căn cứ pháp lý, tra cứu khi giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Lập hồ sơ là việc tập hợp, sắp xếp tài liệu hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành hồ sơ theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định.

- Danh mục hồ sơ là bảng kê có hệ thống các hồ sơ dự kiến lập trong năm văn thư của tổ chức kèm theo ký hiệu, đơn vị hoặc người lập và thời hạn bảo quản của mỗi hồ sơ.

- Lưu trữ cơ quan là tổ chức thực hiện hoạt động lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức.

- Thời hạn nộp lưu hồ sơ là thời gian quy định nộp lưu hồ sơ từ văn thư vào lưu trữ cơ quan hoặc từ lưu trữ cơ quan vào lưu trữ lịch sử.

[...]