Hướng dẫn 46/HD-TLĐ năm 2021 thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 46/HD-TLĐ
Ngày ban hành 30/12/2021
Ngày có hiệu lực 30/12/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Trần Thanh Hải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “01 TRIỆU SÁNG KIẾN - NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, SÁNG TẠO, QUYẾT TÂM CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID - 19”

Để thực hiện tốt, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, thống nhất về nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” (sau đây gọi là Chương trình) trong các cấp công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện Chương trình với những nội dung cơ bản sau:

I. NỘI DUNG VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA SÁNG KIẾN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

1. Sáng kiến tham gia Chương trình là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó:

1.1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm:

- Sản phẩm, dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gen, thực vật, động vật biến đổi gen); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi;...

- Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật,...).

1.2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:

- Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, phần mềm, công nghệ, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu...);

- Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.

1.3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó:

- Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);

- Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;

- Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;

1.4. Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật mới vào thực tiễn hoặc cải tiến, khắc phục những nhược điểm của giải pháp đang thực hiện.

1.5. Giải pháp trong hoạt động công đoàn là các cách thức tổ chức, điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hơn; các tác nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao hơn của công đoàn các cấp; nghiên cứu, đề xuất phương pháp, mô hình, cách làm mới; cải tiến phương thức, quy trình, cách làm cũ để thuận lợi hơn trong tổ chức hoạt động công đoàn; tham mưu, đề xuất nội dung mới hoạt động công đoàn, các cơ chế, chính sách, chế độ có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động....

1.6. Giải pháp trong phòng chống Covid -19: tham mưu cơ chế, chính sách mới trong công tác bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; đề xuất mô hình mới, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất và công tác; các giải pháp hiệu quả thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

1.7. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, ngành trên tất cả các lĩnh vực.

2. Điều kiện công nhận sáng kiến tham gia Chương trình gồm:

2.1. Sáng kiến có tính mới trong phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và được Hội đồng sáng kiến hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó công nhận.

2.2. Sáng kiến đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực (quy đổi được lợi ích thành tiền hoặc không quy đổi được lợi ích thành tiền nhưng xác định được lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp) gồm:

- Khả năng mang lại hiệu quả kinh tế: nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật...;

- Khả năng mang lại lợi ích xã hội: nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, học tập, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, phòng, chng dịch bệnh, nâng cao nhận thức...

2.3 Đề tài được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tế từ tháng 9/2021, đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi ứng dụng đề tài khoa học đó xác nhận hiệu quả ứng dụng thực tế.

2.4. Công nhận tác giả sáng kiến: trong trường hợp sáng kiến, đề tài có nhiều tác giả, thành viên thì công nhận cho chủ nhiệm đề tài hoặc tác giả, thành viên đề tài có tỷ lệ đóng góp cao nhất.

3. Các sáng kiến sau đây không được tham gia Chương trình:

- Sáng kiến đưa vào ứng dụng ngoài thời gian từ 01/9/2021 - 01/9/2023;

[...]