Hướng dẫn 29/HD-TLĐ năm 2021 về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong các cấp công đoàn, công chức, viên chức, người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 29/HD-TLĐ
Ngày ban hành 04/08/2021
Ngày có hiệu lực 04/08/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Ngọ Duy Hiểu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19  TRONG CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ Kế hoạch số 48-KH/BTGTW ngày 21/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID -19 trong các cấp công đoàn và công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) trước tình hình mới, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

 - Giúp đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ nhận thức đúng đắn về diễn biến, tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của đại dịch COVID-19 và những biến chủng mới do virus SARS-CoV2 gây ra; tin tưởng, đồng lòng thực hiện chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ về chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nỗ lực vượt khó cùng doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm “mục tiêu kép” góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

- Lan tỏa các hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn, hình ảnh và việc làm có ý nghĩa của cán bộ công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

2. Yêu cầu

- Công tác thông tin, tuyên truyền cần bám sát diễn biến tình hình dịch và sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền và công đoàn cấp trên.

- Tăng cường thông tin tích cực, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, sẻ chia, đoàn kết của dân tộc; tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai trái, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và đầu cơ, trục lợi, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến, có sức lan tỏa, thuyết phục trong toàn xã hội.

- Chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền cần có tính dự báo và kịp thời, cụ thể; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan truyền thông và các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức thực hiện đạt kết quả.

- Thực hiện nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng cũng như cung cấp thông tin để tuyên truyền.

II. NỘI DUNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung thường xuyên

- Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh 03 mục tiêu: (1) ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường; (2) bảo đảm mục tiêu kép (phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh); (3) tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp.

- Thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng thông điệp “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ.

- Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp trong đàm phán, mua và cung ứng vaccine về Việt Nam; truyền thông kêu gọi người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng công tác tiêm chủng; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, đồng hành ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

- Tuyên truyền về các giá trị nhân văn tốt đẹp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; tinh thần cộng đồng, tập thể, các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình, phù hợp; những gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.

- Tuyên truyền những nhận xét, đánh giá thiện chí, tích cực của các tổ chức quốc tế, dư luận, báo chí quốc tế ủng hộ quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; những bài học hay, kinh nghiệm tốt; triển vọng đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

- Truyền tải thông điệp quốc tế về một Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 với phương cách phù hợp, có chính trị - xã hội ổn định, kinh tế giàu tiềm năng phát triển, xã hội đoàn kết, nhân văn, là thành viên trách nhiệm, tích cực cùng nhân loại phòng, chống đại dịch.

2. Nội dung trọng tâm, trọng điểm

- Tuyên truyền những hoạt động thiết thực, những mô hình có hiệu quả của các cấp công đoàn hỗ trợ đoàn viên, CCVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhất là ở các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp; việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp đủ điều kiện theo phương châm “3 tại chỗ”…

- Giới thiệu, nhân rộng những câu chuyện, những hình ảnh dấn thân của cán bộ công đoàn hỗ trợ hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm lo sức khỏe cho người lao động; thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với đoàn viên công đoàn, người lao động; những cán bộ công đoàn phải cách ly y tế nhưng vẫn chăm lo cho đoàn viên; những việc làm, hành động thể hiện vai trò đồng hành của đoàn viên, CCVCLĐ với nhau, với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn, với công tác phòng chống dịch bệnh COVID - 19.

- Tuyên truyền kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là gói hỗ trợ và các nội dung tại Công văn số 2422/TLĐ ngày 31/7/2021 về triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cấp công đoàn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tuyên truyền về những nỗ lực vượt khó, hy sinh thầm lặng, làm việc không quản ngày đêm, bất cấp hiểm nguy vì sức khỏe nhân dân của lực lượng tuyến đầu.

III. PHƯƠNG TIỆN VÀ BIỆN PHÁP THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

[...]