Hướng dẫn 3407/HD-SNV năm 2019 về trách nhiệm kiểm tra chất lượng chỉnh lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 3407/HD-SNV
Ngày ban hành 28/08/2019
Ngày có hiệu lực 28/08/2019
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Trương Văn Lắm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

SỞ NỘI VỤ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3407/HD-SNV

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 2019

 

HƯỚNG DẪN

VỀ TRÁCH NHIỆM KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CHỈNH LÝ HỒ SƠ, TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Để xác định trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện chỉnh lý tài liệu lưu trữ nhất là việc giám sát, kiểm tra kết quả, hiệu quả, chất lượng công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ theo Quyết định số 5663/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Đán chỉnh lý tài liệu tồn đọng của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2015; Sở Nội vụ hướng dẫn về trách nhiệm kiểm tra chất lượng chỉnh lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức như sau:

I. TRÁCH NHIỆM VÀ YÊU CẦU KẾT QUẢ, CHẤT LƯỢNG CHỈNH LÝ TÀI LIỆU LƯU TRỮ

1. Trách nhiệm giám sát, kiểm tra kết quả, chất lượng công tác chỉnh lý tài liệu

Tại Khoản 1, Điều 15 Luật Lưu trữ quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc chỉnh lý tài liệu thuc phạm vi quản lý”. Trên cơ sở quy định này, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức cần chỉ đạo:

- Phân công, xác định trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện chỉnh lý tài liệu, sử dụng kinh phí chỉnh lý tiết kiệm, có hiệu quả và tổ chức bảo quản, sử dụng tốt nguồn tài liệu sau chỉnh lý.

- Xác định trách nhiệm của Lãnh đạo Văn phòng (Phòng Hành chính, hoặc bộ phận phụ trách công tác văn thư, lưu trữ); công chức, viên chức làm công tác lưu trữ (hoặc văn thư, lưu trữ) của cơ quan trong việc tổ chức thực hiện việc chỉnh lý tài liệu lưu trữ đảm bảo đúng tiến độ thời gian; giám sát, kiểm tra kết quả, chất lượng của công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ.

2. Yêu cầu về kết quả, chất lượng tài liệu sau chỉnh lý

a) Khoản 2, Điều 15 Luật Lưu trữ quy định tài liệu sau khi chỉnh lý phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau đây: Được phân loại theo nguyên tắc nghiệp vụ lưu trữ; được xác định thời hạn bảo quản; hồ sơ được hoàn thiện và hệ thống hóa; có Mục lục hồ sơ, cơ sở dữ liệu tra cứu và Danh mục tài liệu hết giá trị.

b) Công văn số 283/VTLTNN-NVTW ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về việc ban hành Bản hướng dẫn chỉnh lý tài liệu hành chính; theo nội dung của hướng dẫn này, quá trình thực hiện chỉnh lý tài liệu lưu trữ cần được quản lý, giám sát, kiểm tra theo từng giai đoạn: Công tác chuẩn bị chỉnh lý; thực hiện chỉnh lý và kết thúc chỉnh lý.

Việc giám sát, kiểm tra công tác chỉnh lý cần được tập trung thực hiện ở từng giai đoạn theo Công văn số 283/VTLTNN-NVTW và khi kết thúc chỉnh lý cần kiểm tra nghiệm thu kết quả chỉnh lý với các nội dung:

- Căn cứ để kiểm tra: Mục đích, yêu cầu của đợt chỉnh lý; các văn bản hướng dẫn chỉnh lý đã ban hành; báo cáo kết quả khảo sát tài liệu; hợp đồng chỉnh lý (nếu có); biên bản giao nhận tài liệu để chỉnh lý; kế hoạch chỉnh lý.

- Nội dung kiểm tra: Các văn bản hướng dẫn chỉnh lý; mục lục hồ sơ; cơ sở dữ liệu, công cụ thống kê, tra cứu khác (nếu có) và danh mục tài liệu loại của phông hoặc của khối tài liệu chỉnh lý; kiểm tra thực tế tài liệu sau khi chỉnh lý.

- Sắp xếp hồ sơ, tài liệu khoa học trong kho lưu trữ.

- Lập biên bản kiểm tra, nghiệm thu chỉnh lý.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁM SÁT, KIỂM TRA

1. Nội dung về chất lượng hồ sơ, tài liệu sau chỉnh lý

Hồ sơ, tài liệu sau khi được chỉnh lý phải có các văn bản đạt chất lượng và phù hợp với tình hình thực tế tài liệu của cơ quan, cụ thể như sau:

a) Bản lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông.

b) Hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ.

c) Hướng dẫn xác định giá trị tài liệu.

d) Mục lục hồ sơ được lập riêng: Mục lục hồ sơ bảo quản vĩnh viễn; mục lục hồ sơ bảo quản có thời hạn; mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố (đối với cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố).

đ) Danh mục tài liệu loại của phông hoặc khối tài liệu chỉnh lý.

e) Cơ sở dữ liệu và công cụ thống kê, tra cứu.

g) Báo cáo kết quả đợt chỉnh lý.

2. Phương pháp giám sát, kiểm tra chất lượng chỉnh lý tài liệu

Các cơ quan, tổ chức có hồ sơ, tài liệu cần chỉnh lý thực hiện kiểm tra:

[...]