Hướng dẫn 33/HD-VKSTC năm 2022 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp lao động cá nhân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 33/HD-VKSTC
Ngày ban hành 08/11/2022
Ngày có hiệu lực 08/11/2022
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lê Tiến
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÁ NHÂN

Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ, lợi ích giữa cá nhân người lao động hoặc một nhóm người lao động với người sử dụng lao động mà mục đích các bên hướng tới mang tính cá nhân, phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ lao động hoặc phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế làm phát sinh nhiều tranh chấp lao động nhưng phổ biến là các tranh chấp lao động cá nhân. Trên thực tế, tranh chấp lao động cá nhân rất đa dạng, pháp luật về nội dung liên quan đến việc giải quyết loại tranh chấp này được điều chỉnh ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, qua đó giúp cho bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được ban hành đúng quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên liên quan trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực này vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần phải hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nâng cao chất lượng công tác kim sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp lao động trong toàn Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật) hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân như sau:

I. KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG VÀ VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

1. Về điều kiện khởi kiện

- Điều kiện khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 188, khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 (sau đây viết tắt là BLLĐ năm 2019), Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS năm 2015). Khi kiểm sát nội dung này, Kiểm sát viên, công chức cần xác định đúng, đầy đủ quan hệ tranh chấp lao động, từ đó xem xét tranh chấp thuộc trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện hay thuộc trường hợp được khởi kiện tại Tòa án không qua thủ tục hòa giải.

+ Đối với các tranh chấp lao động cá nhân quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.

+ Đối với tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 188 BLLĐ năm 2019 thì Tòa án chỉ được thụ lý, giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:

(i) Hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân gửi đến mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải. Trường hợp này, Kiểm sát viên, công chức nghiên cứu tài liệu, chứng cứ xác định thời gian hòa giải viên lao động đã nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng không giải quyết đúng thời hạn.

(ii) Các bên tranh chấp đã hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành. Trường hợp này, Kiểm sát viên, công chức cần lưu ý về thành phần tham gia hòa giải; nội dung hòa giải thành; biên bản có được thông qua cho các bên tham gia nghe và cùng ký vào biên bản hay không; nội dung thỏa thuận đúng quy định của pháp luật hay trái quy định của pháp luật; tài liệu, chứng cứ thể hiện một trong các bên tranh chấp không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải.

(iii) Các bên tranh chấp đã hòa giải nhưng hòa giải không thành.

Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án khi người sử dụng lao động và người lao động chưa thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động là vi phạm về điều kiện khởi kiện. Vì vậy, Kiểm sát viên phải đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Trường hợp Tòa án không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát mà vẫn đưa vụ án ra xét xử thì Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo Viện trưởng VKSND cấp mình ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền ban hành kháng nghị phúc thẩm; giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án.

Ví dụ: Ông H và Ngân hàng NP kí kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn ngày 20/3/1996. Ngày 15/9/2014, ông H bị Ngân hàng NP tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc theo Quyết định số 721/QĐ-HĐTV-UBNS với lý do ông H có nhiều sai phạm (sau đây viết tắt là Quyết định số 721/2014).

Ngày 20/01/2015, ông H bị Ngân hàng NP miễn nhiệm chức vụ Giám đốc vì ông H không còn đủ tín nhiệm và điều kiện để đảm đương chức vụ Giám đốc tại Quyết định số 18/QĐ-HĐTV-UBNS (sau đây viết tt là Quyết định số 18/2015). Không đồng ý với Quyết định số 721/2014 và Quyết định số 18/2015, ông H làm đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 09/9/2015, Ngân hàng NP ban hành Quyết định số 123/QĐ-NHNPK-HCNS về việc chấm dứt hợp đng lao động với ông H kể từ ngày 10/9/2015. Sau đó, Ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 721/2014 và Quyết định số 18/2015, buộc Ngân hàng NP bồi thường thiệt hại và thanh toán tiền lương từ ngày 16/9/2014 đến 10/9/2015, buộc Ngân hàng NP xin lỗi công khai và phục hồi chức vụ.

Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp kluật lao động bằng hình thức sa thải, đòi tiền lương và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. Ông H làm đơn kháng cáo.

Tại Bản án lao động phúc thẩm số 233/2018/LĐ-PT ngày 08/02/2018, TAND Thành phố HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án khi chưa đủ điều kiện khởi kiện. Trong vụ án này, ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hai quyết định phát sinh trong thời gian ông H thực hiện hợp đồng lao động là Quyết định số 721/2014 và Quyết định số 18/2015, buộc Ngân hàng NP bồi thường thiệt hại và thanh toán tiền lương là “tranh chấp về thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương. Căn cứ Điều 201 BLLĐ năm 2012 (nay là khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019), khoản 1 Điều 32 BLTTDS thì tranh chấp nêu trên thuộc trường hợp phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án khi chưa qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

- Lưu ý, theo quy định tại Điều 189 BLLĐ năm 2019 thì Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp lao động cá nhân. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp thì các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ một số trường hợp sau đây:

+ Hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLLĐ năm 2019 mà Ban trọng tài lao động không được thành lập.

+ Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp.

+ Đã có quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động nhưng một trong các bên không thi hành quyết định.

2. Về thời hiệu khởi kiện

- Thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 190 BLLĐ năm 2019. Theo đó, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Nếu chủ thể có quyền khởi kiện chứng minh được việc khởi kiện bị quá thời hiệu do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật làm cho người khởi kiện không thực hiện được việc khởi kiện trong thời hạn luật định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Khi kiểm sát về thời hiệu khởi kiện, Kiểm sát viên, công chức lưu ý xác định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp bắt đầu từ khi bên tranh chấp phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Ví dụ: Người lao động nhận được quyết định sa thải sau ngày quyết định sa thải có hiệu lực thi hành thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp được tính kể từ ngày người lao động nhận được quyết định sa thải đó.

- Đối với trường hợp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động, các bên đã yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải (bao gồm cả trường hợp tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải nhưng các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải) hoặc các bên tranh chấp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 189 BLLĐ năm 2019 thì thời hiệu khởi kiện vẫn được tính kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm; không tính từ ngày có biên bản hòa giải không thành của hòa giải viên lao động, ngày hết hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc không tính từ ngày các bên không thi hành thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động (khoản 3 Điều 190 BLLĐ năm 2019).

3. Về xác định quan hệ tranh chấp lao động

- Quan hệ lao động rất đa dạng, phức tạp nên việc xác định chính xác quan hệ tranh chấp lao động trong nhiều vụ án còn khó khăn, vướng mắc. Trong một vụ án lao động có thể có một hoặc đan xen nhiều quan hệ tranh chấp cần giải quyết và không phải đương sự nào khi làm đơn khởi kiện cũng xác định đúng vấn đề tranh chấp. Việc xác định đúng, đầy đủ quan hệ tranh chấp lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm sát về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án, phạm vi xét xử; điều kiện khởi kiện; các tài liệu, chứng cứ cần xác minh, thu thập; tư cách tố tụng của đương sự; căn cứ pháp luật cần áp dụng để giải quyết vụ án và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, án phí... Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến việc áp dụng pháp luật giải quyết vụ án không đúng, bị Tòa án cấp trên tuyên hủy, sửa án.

Ví dụ: Ông Ngô Văn L làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần D (sau đây viết tắt là Công ty D) từ ngày 10/6/1997 theo Hợp đồng lao động số 11/97 ngày 09/6/1997. Ngày 23/8/2009, ông L trình cho Công ty D giấy báo trúng tuyển đại học dược hệ liên thông đào tạo theo địa chỉ năm 2009 của Trường Đại học E và đề nghị Công ty D ra quyết định cử cán bộ công nhân viên đi học. Ngày 03/9/2009, Giám đốc Công ty D đã ra Quyết định số 01/QĐ-CTCPD về việc cử cán bộ công nhân viên đi học. Ông L làm bản cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ trở về phục vụ công tác tại Công ty D với thời gian ít nhất 10 năm, nếu thực hiện trái với cam kết, ông L phải bồi hoàn tất cả các chi phí (nếu có) mà Công ty D hỗ trợ cho ông L. Tháng 9/2013, ông L tốt nghiệp đại học và làm việc tại xưởng sản xuất từ ngày 01/10/2013. Tháng 11/2015, ông L làm đơn xin nghỉ việc và được Công ty D đồng ý. Công ty D thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông L theo mức lương 3.100.000 đồng/tháng nên ông L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty D thanh toán tiền trợ cấp thôi việc theo mức lương ông L đang được hưởng là 5.692.000 đồng/tháng và tiền lãi do chậm thanh toán.

[...]