Hướng dẫn 23/HD-VKSTC năm 2020 về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 23/HD-VKSTC
Ngày ban hành 12/06/2020
Ngày có hiệu lực 12/06/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lương Văn Thành
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Để có cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của toàn ngành, VKSND tối cao hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán ngân sách năm 2021 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 6 tháng đầu năm, dự kiến nhiệm vụ công tác của đơn vị 6 tháng cuối năm 2020

- Căn cứ vào Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước được giao năm 2020, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, các nhiệm vụ quan trọng, các đơn vị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý. Dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

- Đánh giá từng nội dung nhiệm vụ có tác động tới việc bảo đảm kinh phí; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tăng thêm theo quy định mới của pháp luật;

- Đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù đến việc bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc: Diện tích, vị trí địa lý, vùng miền…; số lượng án năm 2021 về hình sự, dân sự…; đặc thù khác (nếu có).

2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu

Các đơn vị sự nghiệp có thu, các đơn vị có khoản thu khác ngoài ngân sách và Văn phòng VKSND tối cao căn cứ kết quả thực hiện dự toán thu 6 tháng đầu năm, dự kiến tình hình thực hiện dự toán thu cả năm 2020.

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi thường xuyên

a) Đánh giá tình hình thực hiện khâu phân bổ, giao dự toán, thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2020 theo từng chỉ tiêu nhiệm vụ được giao:

(1) Việc bảo đảm quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản đóng góp năm 2020 của đơn vị:

- Tổng Quỹ tiền lương được giao và bổ sung trong năm: ….. triệu đồng;

- Quỹ tiền lương đã sử dụng đến hết 30/6/2020 ..… triệu đồng;

- Dự kiến Quỹ tiền lương còn phải chi 6 tháng cuối năm tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng (trong đó đã dự kiến quỹ tiền lương cho cán bộ được nâng bậc, nâng ngạch, bổ nhiệm trong năm 2020…) ….. triệu đồng;

- Đánh giá việc thực hiện quỹ tiền lương thừa hoặc thiếu, lý do.

- Quỹ tiền lương đề nghị cấp bổ sung trong trường hợp thiếu (Tổng Quỹ tiền lương được giao - Quỹ tiền lương đã sử dụng đến hết 30/6/2020 - Quỹ tiền lương còn phải chi 6 tháng cuối năm tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng).

(2) Đánh giá thực hiện kinh phí chi thường xuyên theo định mức được cấp, (chi tiết theo từng khoản kinh phí);

(3) Kinh phí chi đặc thù ngoài định mức chi thường xuyên như: Thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng; chi bồi dưỡng phiên tòa; chi hỗ trợ công tác kiểm sát trại giam, trại tạm giam…

(4) Kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tăng thêm năm 2020: Đơn vị đánh giá chi tiết việc thực hiện, bảo đảm cho các nhiệm vụ cụ thể (số tiền); đã đáp ứng được thực hiện nhiệm vụ tăng thêm hay chưa, có nhiệm vụ nào chưa triển khai thực hiện cho chưa được cấp kinh phí hoặc đã được cấp nhưng không đủ.

(5) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã thực hiện 06 tháng đầu năm 2020, dự kiến thực hiện cả năm.

(6) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kinh phí trang phục năm 2019, 2020.

b) Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách.

c) Đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí, cụ thể:

- Đối với các đơn vị hành chính: Đánh giá kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP: Việc triển khai xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; thực hiện các biện pháp tiết kiệm; dự kiến số kinh phí tiết kiệm được trong năm (phân tích các chỉ tiêu tiết kiệm được: Công tác phí, điện nước, xăng xe, văn phòng phẩm ...).

[...]