Hướng dẫn 192/HD-STNMT năm 2010 bổ sung công tác đo vẽ bản đồ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 192/HD-STNMT
Ngày ban hành 05/02/2010
Ngày có hiệu lực 05/02/2010
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Võ Tá Đinh
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

UBND TỈNH HÀ TĨNH
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 192 /HD-STNMT

Hà Tĩnh, ngày 05 tháng 02 năm 2010

 

HƯỚNG DẪN

BỔ SUNG VỀ CÔNG TÁC ĐO VẼ THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH

Căn cứ Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính;

Căn cứ Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy phạm đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200, 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/5000 và 1/10000(QP 08);

Căn cứ Quyết định số 719/1999/QĐ- ĐC ngày 30/12/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc ban hành ký hiệu bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1000, 1/2000 và 1/5000;

Căn cứ Quyết định số 20/2008/QĐ-UB ngày 30/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh,

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bổ sung công tác đo vẽ bản đồ địa chính (gắn liền với công tác cấp giấy CNQSD đất) như sau:

1. Chuẩn dữ liệu số và cơ sở toán học.

- Cơ sở toán học của mảnh bản đồ xây dựng thành tệp mẫu chuẩn (DGN) bằng phần mềm MGE của hãng intergraph (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30, kinh tuyến trục 105030’). Phân mảnh bản đồ gốc thống nhất theo Dự án chung toàn tỉnh.

- Đối với khu vực đo bổ sung (đã có bản đồ số) thì lưới khống chế phải đo kết nối với lưới tọa độ đã có.

- Phân lớp đối tượng đồ họa tuân thủ Phụ lục 16 - QP 08 và hướng dẫn này. Thuộc tính dữ liệu xác định theo quy định hiện hành và chuẩn của phần mềm VILIS.

2. Lưới tọa độ địa chính và lưới khống chế đo vẽ.

a) Lưới tọa độ địa chính.

- Khi chọn điểm chôn mốc tọa độ địa chính, ngoài yêu cầu của quy phạm cần xem xét kỹ trên các bản đồ quy hoạch để hạn chế mất mốc do thực hiện yếu tố quy hoạch hoặc mất khả năng khống chế tọa độ và phát triển lưới cấp thấp. Mốc tọa độ địa chính xây dựng trên các tuyến giao thông thủy lợi nội đồng nếu không ảnh hưởng đến diện tích canh tác thì không phải lập “biên bản cho phép sử dụng đất để chôn mốc, làm tường vây bảo vệ mốc tọa độ địa chính” ( Phụ lục 3- QP08). Nếu mốc xây dựng trên bờ ruộng nhưng sau thay đổi do chuyển đổi quyền sử dụng đất phá bờ thành đất ruộng của hộ gia đình, cá nhân thì phải lập “biên bản cho phép sử dụng đất để chôn mốc, làm tường vây bảo vệ mốc tọa độ địa chính” và vẽ sơ đồ thửa đất phù hợp với hiện trạng; Vị trí chôn, gắn mốc mô tả trong biên bản này cho phép vẽ phi tỷ lệ, tương đối đồng dạng để có thể nhận biết được vị trí mốc ở thực địa.

- Văn bản “Thông báo cho UBND xã về việc chôn mốc, xây tường vây trên đất công của xã” cho phép làm gộp tất cả các mốc trong cùng một xã (Phụ lục 5b- QP08).

- Nội dung ghi chú điểm không phải in phần hướng dẫn. Cho phép dán dữ liệu ảnh thay bản đồ địa hình khu vực trên ghi chú điểm ( phải đủ điều kiện để Photocopy). Trường hợp vật chuẩn ở xa không thể hiện được trên sơ đồ vị trí điểm theo tỷ lệ thì cho phép vẽ phi tỷ lệ nhưng khoảng cách phải đo với sai số vị trí điểm không quá 0,4m để thuận tiện cho việc tìm điểm.

b) Lưới đo vẽ.

- Điểm khống chế đo vẽ phải được bố trí đều trên toàn bộ phạm vi xã, đảm bảo mật độ điểm để phục vụ công tác đo vẽ chi tiết. Hệ thống điểm khống chế đo vẽ tồn tại, ổn định trong suốt quá trình thi công, đủ điều kiện phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Sổ đo góc, đo cạnh phải là số liệu ghi tại thực địa. Hệ thống sổ đo phải thống nhất và đơn vị thi công phải kiểm duyệt trước lúc đo đạc.

- Kết quả tính bình sai lưới đo vẽ phải đánh giá độ chính xác đầy đủ theo tiêu chí của quy phạm.

3. Xác định địa giới hành chính và phạm vi đo vẽ.

- Trên bản đồ địa chính gốc phải thể hiện đầy đủ địa giới hành chính (ĐGHC) theo hồ sơ pháp lý 364 (hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền). Đường địa giới hành chính cũng được coi là ranh giới thửa. Khi đơn vị hành chính cấp xã có dữ liệu bản đồ 364 dạng số thì bắt buộc phải sử dụng dữ liệu số để xác định ĐGHC.

- Trường hợp địa giới hành chính đi giữa sông hoặc tại những vị trí không thể đo trực tiếp thì dùng phương pháp giao hội kết hợp với tọa độ điểm đặc trưng, dữ liệu số, bản mô tả và các thông tin có trong bộ Hồ sơ ĐGHC để chuyển vẽ lên bản đồ địa chính gốc.

- Trường hợp đường địa giới hành chính ở khu vực nông thôn đi giữa ruộng mà hồ sơ ĐGHC không có sơ đồ tuyến địa giới rõ ràng (sơ đồ tuyến thể hiện các thửa đất dọc tuyến ĐGHC ở tỷ lệ lớn) thì phải căn cứ vào bản mô tả trong hồ sơ ĐGHC, thực tế sử dụng đất và sự thống nhất của UBND các xã liên quan để đo chuyển vẽ đúng ĐGHC. Khi trình bày bản đồ địa chính cho phép vẽ địa giới hành chính theo cài răng lược để trọn thửa đất và phải đảm bảo địa giới đo vẽ ở thực địa dao động so với trục chính của địa giới hành chính trên hồ sơ ĐGHC không quá sai số giới hạn đoán đọc đường ĐGHC trên bản đồ 364, cụ thể như sau:

+ Bản đồ ĐGHC tỷ lệ 1/10.000: sai số giới hạn đoán đọc đường ĐGHC là 3 m;

+ Bản đồ ĐGHC tỷ lệ 1/25.000: sai số giới hạn đoán đọc đường ĐGHC là 8 m;

+ Bản đồ ĐGHC tỷ lệ 1/50.000: sai số giới hạn đoán đọc đường ĐGHC là 15 m.

- Đối với khu vực đô thị thì ĐGHC thể hiện lên bản đồ yêu cầu đo vẽ theo hồ sơ ĐGHC lưu ở cấp xã( kể cả trường hợp cắt thẳng qua các thửa đất).

[...]