Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Hướng dẫn 19/HD-VKSTC năm 2024 về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 19/HD-VKSTC
Ngày ban hành 25/09/2024
Ngày có hiệu lực 25/09/2024
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Trần Hưng Bình
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2024

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

Thực hiện Kế hoạch số 111/KH-VKSTC ngày 07/5/2024 của VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 118-NQ/BCSĐ ngày 02/02/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; đặc biệt, qua sơ kết triển khai, thực hiện Kế hoạch số 46/KH-VKSTC ngày 16/3/2023 của VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” trong Ngành Kiểm sát nhân dân[1]; VKSND tối cao (Vụ 12) nhận thấy: VKSND các cấp còn lúng túng trong triển khai, thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (TTDS, TTHC) của Tòa án. Nhiều VKS sau khi nhận được đơn của đương sự, song chỉ chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, không theo dõi kết quả giải quyết đối với đơn do VKS chuyển và từ các nguồn khác gửi tới Tòa án, không áp dụng các biện pháp kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành[2]; hoặc có VKS tuy đã áp dụng biện pháp kiểm sát nhưng khi không được Tòa án thực hiện thì cũng không kiến nghị với Tòa án cấp trên theo quy định của pháp luật[3]; số vụ việc VKS các cấp phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị còn thấp[4], phần lớn mới dừng lại ở việc phát hiện những vi phạm về hình thức giải quyết KNTC (hình thức văn bản, thủ tục, thời hạn giải quyết); trong khi đó, số lượng bản án, quyết định của Tòa án bị sửa, hủy ở cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm do vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều, nhưng VKS chưa phát hiện được vi phạm để kịp thời kiến nghị khắc phục, mặc dù VKS có chức năng kiểm sát việc giải quyết KNTC của Tòa án trong lĩnh vực này.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết KNTC trong lĩnh vực TTDS, TTHC của Tòa án nhân dân; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Ngành và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; VKSND tối cao (Vụ 12) hướng dẫn VKS các cấp, cụ thể như sau:

1. Biện pháp nắm số liệu tiếp nhận, xử lý, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân

1.1. Quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch số 01/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về quy định phối hợp trong việc thông báo, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (sau đây gọi là TTLT số 01/2018)[5], cần xác định đây là biện pháp quản lý chính thức về kết quả tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cùng cấp. Thông qua nghiên cứu các báo cáo này, VKS sẽ có cơ sở rà soát, đối chiếu số quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo mà cơ quan tư pháp cùng cấp đã gửi tới VKS; từ đó ban hành văn bản yêu cầu Tòa án gửi bổ sung các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (còn thiếu) để thực hiện kiểm sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật, của Ngành; đồng thời thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm (nếu có) theo luật định;

1.2. Định kỳ, theo quy định tại TTLT số 01/2018, VKS các cấp phải chủ động đôn đốc Tòa án cùng cấp thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong trường hợp Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì cần kiên quyết ban hành kiến nghị khắc phục;

1.3. VKSND cấp tỉnh cần tích lũy vi phạm trong việc chấp hành quy định TTLT số 01/2018 để có căn cứ tiến hành kiểm sát trực tiếp việc giải quyết KNTC trong TTHS đối với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới. Trong quá trình kiểm sát, qua nghiên cứu hệ thống phần mềm, sổ sách quản lý đơn của Tòa án, VKS sẽ nắm được chính xác số liệu tiếp nhận, xử lý, thụ lý, phân loại của Tòa án (trong tất cả các lĩnh vực tố tụng) để yêu cầu Tòa án chấp hành việc gửi đầy đủ các Quyết định giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền, để tiến hành kiểm sát theo quy định.

2. Trong áp dụng các biện pháp kiểm sát

Yêu cầu VKS các cấp cần nghiên cứu, áp dụng đầy đủ 03 biện pháp kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành; là: (1) Yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo (gọi tắt là biện pháp Yêu cầu ra văn bản); (2) Yêu cầu Tòa án có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát (gọi tắt là biện pháp Yêu cầu kiểm tra và thông báo kết quả); (3) Yêu cầu Tòa án có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát (gọi tắt là biện pháp Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu).

2.1. Điều kiện áp dụng các biện pháp kiểm sát:

2.1.1. Đối với biện pháp Yêu cầu ra văn bảnYêu cầu kiểm tra và thông báo kết quả

VKS yêu cầu Tòa án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo khi VKS có căn cứ cho rằng Tòa án không giải quyết khiếu nại tố cáo. VKS yêu cầu Tòa án tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khi VKS có căn cứ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo.

VKS áp dụng 02 biện pháp này khi đáp ứng 1 trong 3 điều kiện sau:

(1) Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định; hoặc có căn cứ xác định Tòa án vi phạm pháp luật trong khi giải quyết[6];

(2) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền[7], kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo;

(3) VKS có căn cứ[8] xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định.

2.1.2. Đối với biện pháp Yêu cầu cung cấp tài liệu

VKS áp dụng biện pháp này khi đáp ứng 1 trong 4 điều kiện sau:

(1) Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo;

(2) Viện kiểm sát đã áp dụng 2 biện pháp nêu trên nhưng Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ;

(3) Đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại;

(4) Khi Viện kiểm sát cần[9] xem xét hồ sơ, tài liệu để quyết định việc kiến nghị.

2.2. Một số lưu ý trong thực hiện các biện pháp kiểm sát

2.2.1. Đối với biện pháp Yêu cầu ra văn bản

- Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSTC-TATC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (gọi tắt là TTLT số 02/2016); khoản 1 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSTC-TATC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính (gọi tắt là TTLT số 03/2016), tùy theo lĩnh vực bị khiếu nại, tố cáo;

- Áp dụng Mẫu số 42/KT trong Danh mục biểu mẫu (ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao - gọi tắt là Hệ thống biểu mẫu 28);

- Trong văn bản áp dụng biện pháp này cần ấn định thời hạn là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản; trường hợp có lý do khách quan cần kéo dài thời hạn và cơ quan được kiểm sát phải thông báo rõ lý do bằng văn bản, thì thời hạn là 15 ngày.

[...]