Hướng dẫn 1869/HD-TLĐ năm 2014 quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản của công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1869/HD-TLĐ
Ngày ban hành 16/12/2014
Ngày có hiệu lực 16/12/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Phan Văn Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1869/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ĐOÀN

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003; Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 về quản lý chất lượng công trình Xây dựng; Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về định mức chi phí Quản lý dự án và Tư vấn đầu tư xây công trình; Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16 /7/2009 về Hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng của Bộ Xây dựng; Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN; Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Tổng Liên đoàn hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản của công đoàn như sau.

I. Quy trình, các bước thực hiện và quản lý dự án XDCB.

1. Phân loại dự án XDCB.

1.1. Phân theo quy mô và tính chất của công trình theo nhóm A, B, C.

1.2. Phân theo nguồn vốn đầu tư.

- Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Dự án sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

- Dự án sử dụng vốn khác.

2. Quản lý dự án.

2.1. Chủ quản đầu tư dự án XDCB của công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Chủ quản đầu tư, quyết định đầu tư các dự án của công đoàn.

2.2. Chủ đầu tư dự án XDCB của công đoàn.

- Đối với các dự án XDCB của công đoàn nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư 100% thì chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đầu tư.

- Đối với các dự án có từ hai nguồn vốn đầu tư trở lên do Tổng Liên đoàn quyết định đầu tư, thì chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình.

- Trường hợp không xác định được chủ đầu tư theo quy định thì người quyết định đầu tư có thể ủy thác cho đơn vị khác có đủ điều kiện làm chủ đầu tư hoặc cùng làm chủ đầu tư.

- Đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng, người vay vốn là chủ đầu tư.

- Đối với các dự án sử dụng vốn khác, chủ đầu tư là chủ sở hữu vốn hoặc là người đại diện theo quy định của pháp luật.

2.3. Ban quản lý dự án.

- Ban quản lý dự án là đơn vị trực tiếp giúp Chủ đầu tư triển khai, thực hiện và quản lý dự án. Ban Quản lý dự án do Chủ đầu tư thành lập hoặc hợp đồng thuê Ban quản lý dự án.

- Trường hợp Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập không đủ năng lực theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư hợp đồng với cá nhân có năng lực chuyên môn tham gia Ban quản lý dự án để thực hiện giám sát của chủ đầu tư tại công trình. Hoặc Hợp đồng thuê Ban quản lý chuyên ngành có đủ điều kiện để quản lý dự án.

- Đối với các dự án quy mô nhỏ, chủ đầu tư sử dụng cán bộ chuyên môn của đơn vị để quản lý dự án.

2.4. Phân công quản lý dự án.

a- Dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước.

Tổng Liên đoàn (Ban Tài chính) quản lý toàn bộ quy trình triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng; Quan hệ với các Bộ, ngành để bố trí vốn thực hiện dự án đã được phê duyệt (bao gồm cả dự án thành phần), quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ xác định chủ trương đầu tư, lập dự án, quyết định đầu tư, lập thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu để chủ đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao và đưa công trình vào khai thác sử dụng.

[...]