Hướng dẫn 152-HD/BTGTW năm 2015 tăng cường công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động và bảo hiểm y tế toàn dân do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 152-HD/BTGTW
Ngày ban hành 05/05/2015
Ngày có hiệu lực 05/05/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Bùi Thế Đức
Lĩnh vực Bảo hiểm

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 152-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO MỌI NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 và thông qua Luật BHXH (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Để các quan điểm, chủ trương của Đảng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT, Luật BHXH (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới và mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân; mục tiêu, ý nghĩa và quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, BHXH tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội về việc triển khai thực hiện các luật này.

- Góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; qua đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tốt chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT ở các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân.

- Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, BHXH; các hoạt động lợi dụng việc thông qua Luật BHXH (sửa đổi) để kích động, lôi kéo người dân, nhất là công nhân ngừng việc tập thể, đình công gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

- Việc tuyên truyền về BHXH, BHYT cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, thiết thực. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

- Công tác tuyên truyền cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH nếu có những điểm bất cập, chưa phù hợp các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Công tác tuyên truyền cần chú trọng đến mọi đối tượng, trong đó có người lao động ở các khu vực ngoài nhà nước, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân...

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT; làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

2. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp về BHXH, BHYT, nhất là mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu được nêu trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 theo Quyết định số 538-QĐ/TTg và Đề án Chiến lược phát triển Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 1215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường quán triệt Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân” và các chủ trương, chính sách khác về BHXH, BHYT.

3. Những kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhấn mạnh các kết quả quan trọng, như: Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được tăng cường. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng (tính đến tháng 12/2014, cả nước đã có 11,37 triện người tham gia BHXH bắt buộc, tăng hơn 9 triệu người so với năm 1995 và tăng hơn 4,67 triệu người so với năm 2006; 64,8 triệu người tham gia BHYT (chiếm gần 71% dân số), tăng 48,4 triệu so với năm 2003 và tăng 11,5 triệu so với năm 2009); quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm; các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH được thực hiện kịp thời, đúng quy định, thủ tục hành chính được rút gọn. Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của các đối tượng được chi trả đầy đủ, an toàn, thuận lợi. Công tác tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được cải thiện cả về chất lượng và quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở...

4. Tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và sửa đổi Luật BHXH; những nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung). Tập trung phân tích những điểm mới quan trọng có tính đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT, BHXH ban hành trước đây, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân, như:

- Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm 03 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Tăng thêm mức hưởng một số chế độ: chế độ ốm đau, chế độ thai sản; tăng mức trợ cấp BHXH một lần theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội; bổ sung đối tượng hưởng chế độ tử tuất... Bổ sung quyền của cơ quan BHXH, ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), còn được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT; quyền được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập; được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân; định kỳ hằng năm cung cấp cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức; định kỳ sáu tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn. Các hành vi trốn đóng, chậm, đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền thời gian chậm đóng, nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH...

- Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung), để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện; bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc một năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công với cách mạng, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, các xã đảo, huyện đảo...

5. Biểu dương các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có tinh thần trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT; chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình huống phát sinh và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, đời sống của công nhân, người lao động; biểu dương, nhân rộng những mô hình tiên tiến như các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt về chính sách BHXH, BHYT, vận động được nhiều đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đấu tranh, phê phán những biểu hiện vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, như: Doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, BHYT cho người lao động, trục lợi quỹ BHXH, BHYT... Đấu tranh, phê phán việc lợi dụng một số điểm còn bất cập của Luật BHXH, Luật BHYT để xuyên tạc ý nghĩa nhân văn của hai bộ Luật này và kích động công nhân, người lao động biểu tình, đình công.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình phối hợp công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”.

2. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội tham mưu giúp cấp ủy thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác BHXH, BHYT, như: đưa chỉ tiêu về dân số tham gia BHYT là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như Chương trình xây dựng nông thôn mới... Chủ động phối hợp với ngành BHXH tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội để tham mưu cho cấp ủy đảng có những giải pháp xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc và vướng mắc có liên quan tới việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

3. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy tổ chức tuyên truyền những nội dung nêu trên đến cán bộ, đảng viên trong ngành và đến mọi người dân; hỗ trợ kinh phí, cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn; phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị báo cáo viên; tham gia giải quyết những bức xúc của nhân dân nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương chủ động, tích cực tuyên truyền về BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; phát hiện những bất cập hoặc yếu kém trong quá trình thực hiện chính sách BRXH, BHYT; giới thiệu, biểu dương, nhân rộng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt BHXH, BHYT; phê phán những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và thực hiện sai các chính sách BHXH, BHYT; chú trọng mở chuyên trang, chuyên mục, tăng dung lượng, thời lượng tin, bài một cách thỏa đáng để tuyên truyền về BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân, tăng cường các bài viết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và việc thực hiện lộ trình BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân; khuyến khích, động viên phóng viên, biên tập viên có nhiều tin bài phản ánh việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở vùng sâu, vùng xa.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, thuyết phục hội viên, đoàn viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và tích cực hưởng ứng phong trào mọi người lao động tham gia BHXH và toàn dân tham gia BHYT, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, của mỗi cá nhân để hỗ trợ cộng đồng tham gia BHXH, BHYT.

IV. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Vì hạnh phúc của mỗi nhà, mọi người hãy tham gia bảo hiểm y tế!

[...]