Hướng dẫn 1454/HD-NHCS năm 2014 về thực hiện chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, ngoại tệ, giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội

Số hiệu 1454/HD-NHCS
Ngày ban hành 20/05/2014
Ngày có hiệu lực 20/05/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Đức Hải
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1454/HD-NHCS

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ VỀ GIAO NHẬN, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN TIỀN MẶT, NGOẠI TỆ, GIẤY TỜ CÓ GIÁ TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-NHNN, ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về “Quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”;

Căn cứ văn bản số 929/NHNN-PHKQ, ngày 19/02/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2014/TT-NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá;

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn thực hiện chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong hệ thống NHCSXH như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH VỀ ĐÓNG GÓI, NIÊM PHONG TIỀN MẶT

I. ĐÓNG GÓI TIỀN MẶT

1. Đóng gói tiền cotton

a) Đóng thếp tiền: 100 (một trăm) tờ tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu (không để lẫn tiền Polymer và tiền cotton) đóng thành một thếp, buộc bằng dây (đay, gai,...) hoặc quấn bằng băng giấy ở vị trí 1/3 chiều dài của thếp tiền.

b) Đóng bó tiền: sắp xếp đủ 10 thếp tiền cùng mệnh giá, đặt 5 thếp có hàng dây buộc cùng phía và 5 thếp kia có hàng dây buộc đối diện, ở mặt để dán niêm phong đặt thêm tờ lót niêm phong, đóng bó bằng sợi dây se. Các loại mệnh giá từ 1.000 đồng trở lên, buộc 3 ngang 1 dọc, các loại mệnh giá nhỏ từ 500 đồng trở xuống buộc 2 ngang 1 dọc. Tại các điểm giao nhau giữa các dây ngang và dây dọc phải quấn vòng qua lại để giữ cho bó tiền chắc chắn, nút buộc thắt hai đầu dây đặt trên bề mặt tờ lót niêm phong bó tiền.

c) Đóng gói bao tiền: Một bao tiền gồm 20 bó tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu (không lẫn tiền cotton vào bao tiền polymer và ngược lại). Bao tiền đóng thành khối hình chữ nhật, miệng bao buộc thắt nút chặt hoặc gấp miệng và khâu kín. Bao đóng tiền được sử dụng là bao vải sợi loại tốt, dai, bền, may bằng chỉ tốt, chắc chắn, may dấu đường chỉ ở đáy bao và thành bao.

2. Đóng gói tiền polymer

a) Đóng thếp tiền: 100 (một trăm) tờ tiền polymer cùng mệnh giá (không để lẫn tiền cotton) đóng thành một thếp, quấn bằng băng giấy rộng từ 2-3 cm ở vị trí 1/3 chiều dài của thếp tiền.

b) Đóng bó tiền: Sắp xếp đủ 10 thếp tiền cùng mệnh giá để chuẩn bị đóng bó như đối với tiền cotton. Dùng 2 miếng bìa cứng, kích thước phù hợp với loại tiền để chặn giữ 2 mặt bó tiền. Ở mặt để dán niêm phong, đặt thêm tờ lót niêm phong lên trên miếng bìa cứng, dán giấy niêm phong lên trên nút buộc bó tiền.

c) Đóng gói bao tiền: thực hiện như đóng bao tiền cotton

3. Đóng gói tiền kim loại

Thực hiện theo quy định tại điểm 1.3 công văn 929/NHNN-PHKQ ngày 19/2/2014 về Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2014/TT-NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

II. NIÊM PHONG TIỀN MẶT

1. Giấy niêm phong bó tiền là loại giấy mỏng, kích thước phù hợp với từng loại tiền, sử dụng giấy niêm phong màu trắng, mực in màu đen.

2. Trên giấy niêm phong bó, túi, bao tiền phải có đy đủ, rõ ràng các nội dung sau: Ngân hàng chính sách xã hội (Tỉnh hoặc Huyện); loại tiền; số lượng (tờ, miếng, bó, túi) tiền; số tiền; họ tên và chữ ký của người kiểm đếm, đóng gói; ngày, tháng, năm đóng gói niêm phong. Dùng bút bi mực tốt để ghi, không dùng mực dễ phai hoặc bút chì.

3. Giấy niêm phong bó tiền phải dán trên tờ giấy lót và mối dây buộc thắt nút hai đầu dây.

4. Người có tên, chữ ký trên giấy niêm phong phải chịu trách nhiệm về bó, túi, bao tiền đã niêm phong.

5. Niêm phong bao, túi tiền: dùng dây sợi se, không có mối nối đkhâu và buộc chặt miệng bao, túi hoặc có thể gấp miệng, khâu kín hai lần qua lại, mũi khâu dày, cách nhau 2-3 cm; dán tờ niêm phong sát nút buộc miệng túi, bao; khi dán giấy niêm phong phải tách riêng cho hai đầu dây cách nhau.

III. ĐÓNG GÓI VÀ NIÊM PHONG NGOẠI TỆ, GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Giấy tờ có giá, bao gồm: Trái phiếu, tín phiếu, sổ tiết kiệm, séc và các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

Việc đóng gói, niêm phong ngoại tệ, giấy tờ có giá, thực hiện như đóng gói, niêm phong tiền mặt.

Phần II

[...]