Hướng dẫn 07/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 07/HD-VKSTC
Ngày ban hành 05/01/2022
Ngày có hiệu lực 05/01/2022
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lương Minh Thống
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ NĂM 2022

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch s01/KH-VKSTC ngày 30/12/2021 về công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022; tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực cht, hiệu quả; để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện kiểm sát (VKS) các cấp cần tập trung thực hiện nhiệm vụ như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022 được xác định:

1. Tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; phụ lục thẩm quyền ký và hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ liên quan đến công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

2. Toàn Ngành tập trung kiểm sát việc quản lý giam giữ, thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân; việc thi hành án hình sự tại cộng đồng bảo đảm thống nhất, đúng quy định của pháp luật. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này.

3. Tập trung, theo dõi kết quả về kiểm sát áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28/6/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

4. Đánh giá kết quả công tác phối hợp với khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trong việc giải quyết vụ án cũng như giao, gửi bản án, quyết định về thi hành án hình sự.

II. GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, VKS các cấp thực hiện một số giải pháp, biện pháp như sau:

1. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; phụ lục thẩm quyền ký và hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ. Phối hợp với Vụ 14 và các đơn vị có liên quan thẩm định, tham mưu trình lãnh đạo VKSND tối cao ban hành trong năm 2022.

2. VKSND các cấp thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của VKSND tối cao về thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự nhằm bảo đảm thích ứng, an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19[1]; phối hợp, vận dụng linh hoạt phương thức kiểm sát phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát. Chủ động trực tiếp kiểm sát đột xuất theo quy định của Ngành, kịp thời phát hiện vi phạm, tồn tại, xác định nguyên nhân, trách nhiệm đề ra biện pháp khắc phục phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa. Đối với trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết (do tự sát, bị giết, bị đánh gây thương tích), phạm tội mới trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát đột xuất, VKS cấp dưới báo cáo nhanh bằng văn bản, đồng thời điện thoại đến VKS cấp trên để có ý kiến chỉ đạo, phối hợp kiểm sát.

3. Tiếp tục kiểm sát chặt chẽ việc phân loại và tổ chức giam giữ theo loại, việc canh gác, bảo vệ, kiểm tra, giám sát người bị giam giữ; kiểm sát bảo đảm việc thực hiện chế độ ăn, thăm gặp thân nhân, tiếp nhận, sử dụng quà, việc khám, điều trị bệnh và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chú ý, phát hiện kịp thời các trường hợp người bị giam giữ chết do khám, chữa bệnh không kịp thời, do chuẩn đoán không đúng bệnh hoặc do chậm chuyển đến cơ sở y tế tuyến trên. Kịp thời kiến nghị để khắc phục nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật trong hoạt động này như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật; trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong quản lý giam giữ.

Kiểm sát chặt chẽ về thủ tục, điều kiện, thẩm quyền, thời hạn hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; việc xếp loại chấp hành án; việc hạch toán, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân bảo đảm theo đúng quy định. Tiến hành rà soát, tổ chức xác minh hoặc ủy thác việc xác minh để xác định điều kiện hoãn, tạm đình chấp hành án phạt tù, nhất là các đối tượng được hoãn chấp hành án phạt tù với lý do bị bệnh nặng, là người lao động duy nhất trong gia đình; kiểm tra, xác minh về điều kiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với trường hợp chưa khắc phục hoặc mới khắc phục được một phần trách nhiệm dân sự nhưng có đơn xác định hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn để xếp loại cải tạo khá trở lên, để kịp thời yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định không đúng pháp luật.

Kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng lập danh sách, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đang bị giam giữ đi chấp hành án, nhằm hạn chế việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để kéo dài thời hạn, dẫn đến người bị kết án chấp hành xong án phạt tù trong thời gian chờ chuyển đi chấp hành án hoặc được để lại chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Chú trọng kiểm sát việc thi hành án hình sự tại cộng đồng về việc lập hồ sơ thi hành án, triệu tập người chấp hành án; việc xử lý, giải quyết trong trường hợp người chấp hành án vắng mặt, thay đổi nơi cư trú; việc kiểm danh, kiểm kê, điểm danh, kiểm diện người chấp hành án; việc thực hiện tiêu chuẩn phân loại chấp hành án tại cộng đồng; hoạt động quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã; trình tự, thủ tục, điều kiện, mức rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án theo quy định. Chú ý kiểm sát chặt chẽ trường hợp người chấp hành án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật, đủ căn cứ buộc phải chấp hành hình phạt tù. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc áp giải người bị kết án phạt tù không tự nguyện đi chấp hành án, đã hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ đi chấp hành án theo quy định.

4. Tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, trong đó chú trọng thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28/6/2021 về “Tăng cường trách nhiệm hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự” của Viện trưởng VKSND tối cao. VKSND cấp tỉnh tổng hợp, quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại địa phương để kịp thời có biện pháp tác động, chấn chỉnh vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực này.

5. Chú trọng kiểm sát phát hiện, xử lý vi phạm trong việc Tòa án giao, gửi bản án, ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự; việc gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân và tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động này. Tổng hợp, đánh giá 02 năm thực hiện Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 27/9/2020 của VKSND tối cao khi có yêu cầu.

6. Quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát tại địa phương; VKS các cấp tổng hợp xác định nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm xảy ra trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

7. VKS cấp trên thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra nghiệp vụ bảo đảm các Chỉ thị, Hướng dẫn, Quy chế của Ngành được thực hiện đúng quy định. Tăng cường kiểm tra đột xuất đối với VKS cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi để xảy ra vi phạm, hạn chế trong công tác. Xác định trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, tồn tại trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; đề ra các biện pháp, giải pháp tăng cường trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm sát. Kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác đồng thời chỉ dẫn các thao tác nghiệp vụ cơ bản, cách làm hay để phổ biến trong toàn đơn vị.

8. Tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Công an cùng cấp trong kiểm tra, giám sát và trong các kỳ trực tiếp kiểm sát để bảo đảm việc phát hiện, kiến nghị, khắc phục, sửa chữa vi phạm được hiệu quả.

Chủ động phối hợp trong việc cung cấp, xử lý thông tin, nguồn tin có dấu hiệu tội phạm liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo thẩm quyền cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao như các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thời hạn trong tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết do tự sát, do tai nạn hoặc bị đánh dẫn đến chết; bị gây thương tích; phạm tội mới...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ vào nhiệm vụ công tác của Ngành năm 2022, Hướng dẫn của VKSND tối cao và thực tế tình hình của đơn vị, địa phương, VKS các cấp tổ chức thực hiện các nội dung:

1. VKSND cấp tỉnh xây dựng Hướng dẫn công tác đối với VKSND cấp huyện; xây dựng Chương trình công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự năm 2022, chú ý phân công đối với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành và biện pháp tổ chức thực hiện, gửi (thay báo cáo) về VKSND tối cao (Vụ 8) trước ngày 20/01/2022.

2. Viện trưởng VKS các cấp phải cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh Covid-19 để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt đề ra các giải pháp và lựa chọn cách thức kiểm sát phù hợp với thực tế tình hình địa phương, đảm bảo thực hiện đủ số lượng, đạt chất lượng theo Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.

3. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân và Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[...]