Hướng dẫn 06/HD-SNV năm 2015 xử lý kỷ luật cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 06/HD-SNV
Ngày ban hành 03/02/2015
Ngày có hiệu lực 03/02/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/HD-SNV

Lâm Đồng, ngày 03 tháng 02 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn Luật cán bộ, công chức của cấp có thẩm quyền;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6859/UBND-TKCT ngày 17/12/2014 về việc giao Sở Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo văn bản số 5228/BNV-CQĐP ngày 05/12/2014 của Bộ Nội vụ về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã.

Trong khi chờ văn bản quy định cụ thể của cấp có thẩm quyền để có sự thống nhất thực hiện về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ chuyên trách, Sở Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc (sau đây gọi chung cấp huyện) thực hiện công tác xử lý kỷ luật cán bộ chuyên trách ở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Đối tượng áp dụng

Bao gồm cán bộ cấp xã được quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật cán bộ, công chức: Bí thư, Phó Bí thư Đảng Ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đối tượng quy định trên kể cả cán bộ được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

2.1. Khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật.

2.2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đối với hành vi vi phạm nặng nhất; trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc bãi nhiệm.

Ví dụ: ông Trần Văn C, Phó Chủ tịch UBND xã A, huyện B, trong năm 2014 vi phạm các hành vi như: gây mất đoàn kết trong Ủy ban nhân dân xã A; sử dụng bằng đại học không hợp pháp để được xếp lương theo ngạch chuyên viên (mã số 01.003)

Trong 02 hành vi vi phạm nên trên, Hội đồng xử lý kỷ luật xử lý từng hành vi vi phạm: Hành vi gây mất đoàn kết trong cơ quan xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách; hành vi sử dụng bằng đại học không hợp pháp để được xếp lương theo ngạch chuyên viên xử lý hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Như vậy, trường hợp ông Trần Văn C, Phó Chủ tịch UBND xã A, huyện B bị xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cao nhất cho cả hai hành vi vi phạm trên là hình thức kỷ luật cách chức.

2.3. Trường hợp cán bộ tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

a) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

b) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới.

Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.

2.4. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố được xem xét giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật; ngược lại nếu thái độ không tiếp thu, ngoan cố, không sửa chữa, khắc phục hậu quả là tình tiết tăng nặng khi áp dụng hình thức kỷ luật.

3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

3.1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của cán bộ trong thi hành công vụ; những việc cán bộ không được làm quy định tại Mục 3, 4 Chương II Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

3.2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.

3.3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật (không tính vào thời gian xử lý kỷ luật) đối với cán bộ trong các trường hợp sau:

4.1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.

4.2. Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

4.3. Cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

[...]